Sài Gòn một thuở Dân Ông Tạ đó! viết về nơi nhà báo Cù Mai Công sinh ra và lớn lên. Anh tìm tòi tài liệu, phỏng vấn và quan sát với mong muốn ghi lại giai đoạn lịch sử hơn nửa thế kỷ của vùng Ông Tạ với bề dày lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa...
Cù Mai Công viết về vùng Ông Tạ - Chí Hòa với điểm nhìn từ quá khứ đến hiện tại. Gần 200 trang sách là những câu chuyện nối tiếp nhau. Mở đầu là cuộc chiến của quân dân nhà Nguyễn đến những bước chân người Bắc di cư đầu tiên và cuộc sống của họ tại đây. Tác giả cho rằng vùng "địa linh nhân kiệt" xưa ảnh hưởng ít nhiều đến tính cách người khu Ông Tạ: chấp nhận, kiên cường đối đầu gian khó với máu liều lĩnh trên vùng đất vốn toàn đầm lầy, mồ mả.
Khu Ông Tạ một thời là vùng giáp ranh giữa quận Tân Bình, quận 3, quận 10, với trung tâm là ngã ba đường Phạm Văn Hai và đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay. Giới trẻ biết đến khu Ông Tạ nhưng ít người biết "Ông Tạ" là ai. Tác giả tìm gặp lương y Nguyễn Văn Huệ, cháu nội Ông Tạ để tìm ra gốc tích của tên. Ông Tạ là lương y của người nghèo. Ông được người trong vùng thương mến, quý trọng. Ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ... là những địa danh hình thành khi ông còn sống. Dần dần, xung quanh phòng mạch của ông, "một trục Bắc di cư ông Tạ chính thức khác được hình thành, hoàn chỉnh khu dân cư ông Tạ cho tới nay với các giáo xứ: Nam Thái, An Lac, Thái Hòa, Tân Chí Linh, Vinh Sơn", sách viết.
Người đọc thấy được sự pha trộn văn hóa Bắc - Nam khi người miền Bắc di cư năm 1954 sống "lọt thỏm, chen chúc dày đặc" trong khu Ông Tạ cùng người dân Tân Sơn Hòa. Nhà tác giả ở hẻm 148 đường Thoại Ngọc Hầu lắm người miền Bắc cũng nhiều người miền Nam, có cô Ba ''bê'', bác Hai "xe ngựa"... Những "xóm Nam" có khắp nơi ở khu Ông Tạ đều được kể ra: ngõ Cổng Bom, chùa Khuông Việt, nhà thờ Tân Chí Linh...
Khu Ông Tạ cũng là nơi sinh sống của giới văn nghệ sĩ: ca sĩ Vũ Khanh, nhạc sĩ Hoài An, nghệ sĩ Cao Thanh Tùng hay họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Bùi Đức Lâm... "Ra ngõ không đụng giang hồ thì gặp... văn nghệ sĩ'', Cù Mai Công viết.
Sài Gòn một thuở Dân Ông Tạ đó! không phải là sách viết về Sài Gòn đầu tiên của Cù Mai Công. Nhà báo và võ sư chưởng môn Karate Shorin-ryu Việt Nam đời thứ tư này là cây bút viết phóng sự với loạt sách Sài Gòn by night (xuất bản năm 1997), Tuổi mực tím Sài Gòn (xuất bản năm 2000).
Thu Thảo