Lữ khách Sài Gòn
Sài Gòn - thành phố luôn luôn trẻ, dẫu đã ôm trong mình một lịch sử hàng trăm năm đầy thăng trầm biến động. Đô thị này mang một sức hấp dẫn khó cưỡng, thu hút bao tao nhân mặc khách viết về nó.
Những góc phố, hàng cây của Sài Gòn từng quyến rũ nhà văn Bình Nguyên Lộc để hình thành nên tác phẩm thấm đẫm phong vị nam bộ Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc. Tập sách được in vào năm 1966 với lưu ý của chính tác giả: không tái bản. Vậy mà, tới nay, đã có bốn lần tác giả bị nghịch ý khi sách được in lại, chứng tỏ sức sống của phương ngữ nam bộ cùng hồi ức về Sài Gòn ngày càng được bồi đắp như một lớp phù sa.
Người miền Nam như Bình Nguyên Lộc còn thấy bỡ ngỡ với "đô thành" của mình đến thế, huống chi hơn một trăm năm trước (1918) Phạm Quỳnh đáp tàu từ Hải Phóng cập cảng Sài Gòn đã thấy ở đây một vùng đất mới trù phú bậc nhất. Cảm giác lạ lẫm, choáng ngợp trước chuyến đi xa cộng hưởng với một thế giới tân kỳ như mở ra trước mắt, khiến chàng trai Phạm Quỳnh, lúc đó mới hai mươi sáu tuổi phải thốt lên khi chiếc xe kéo chở mình chạy qua cầu Khánh Hội: "Ngay từ lúc mới đầu đã biết ngay cái cảnh sắc ấy là cảnh sắc một nơi thành phố Tây, cái khí vị ấy là khí vị một chốn đô hội lớn". Trong thiên ký sự Một tháng ở Nam Kỳ, Phạm Quỳnh đã lột tả không khí đô hội mà ta vẫn thấy còn mới nguyên dẫu bài bút ký được viết từ hơn trăm năm trước. Phạm Quỳnh còn nhìn thấy ở Sài Gòn không khí của một nền văn hóa mới, với sự phát triển của sách báo, chứng tỏ chữ quốc ngữ đã được phổ cập và trên đà phát triển, tạo tiền đề cho những cuộc cách mạng văn chương sau này.
Đi trên lịch sử
Trong tiểu thuyết Lữ khách và cõi trăng của Szerb Antal, nhân vật nam chính phát biểu, đại ý, người Italy choảng nhau bằng lịch sử. Đối với những "lữ khách Sài Gòn" của hôm nay, Sài Gòn là vàng son một thuở, dường như bước đi trên bất kỳ con phố nào của Sài Gòn cũng như đang đi giữa lằn ranh phân định hiện tại và quá khứ, nơi ký ức chồng lấn lên thực tại, cơ hồ những hàng cây dọc hai bên đường cũng như nhân chứng cho những thời đại đã qua.
Năm 1858, Lépold Pallu trong vai trò đại úy hải quân của quân đội Pháp đặt chân đến vùng đất Sài Gòn để tham gia các chiến dịch của Pháp ở Nam kỳ. Ông đã ghi lại những ngày tháng đó trong cuốn Nam kỳ viễn chinh ký 1861. Sách có đoạn:
"Như vậy, bị chặn kho lương ở Thuận Kiều và bị vây hãm, quân An Nam chỉ có thể chống cự, hoặc bị đánh tan lập tức. Tuy nhiên, địch vẫn còn một đường thoát thân, nếu trong khi giao chiến, ta không đặt một đội quân canh chừng tại đây.
"Đó là đường Adran; song để tới đường đó thì phải bằng qua vùng bùn đất của đầm lầy trên rạch Thị Nghè..."
Đường Adran Lépold Pallu đề cập ở trên, nay là đường Hồ Tùng Mậu quận Nhất. Ai sinh sống ở Sài Gòn chắc cũng từng một lần đi qua con đường Hồ Tùng Mậu này, một con đường nhỏ và ngắn giữa trung tâm yên bình. Đâu ai ngờgần hai trăm năm trước, con đường là nơi rút lui của quân An Nam trước đội quân Pháp. Nhưng đáng buồn thay, ngay sau đó Lépold Pallu đã nhận xét: "Đó là đường chạy loạn chứ không phải đường rút quân".
Khi đọc tác phẩm viết về mảnh đất Sài Gòn của một người nước ngoài như Pallu, ta dễ thấy dầu là người lính viễn chinh, ông vẫn bị ấn tượng bởi vùng đất phương Đông xa xôi này. Thử đọc một đoạn ông viết về Chợ Lớn:
"Phố người Hoa nổi tiếng trong nước với cái tên Chợ Lớn - một từ tiếng Tàu. Phố trải dài hai bên bờ kênh một đoạn chừng hai cây số, Chợ Lớn luôn náo nhiệt cảnh cu li Tàu và An Nam khuân vác gạo, tiền xu, thịt dê và cá khô. Mái nhà ở đây lợp ngói đỏ, nổi bật giữa những khóm cau với thân cây thẳng đuột khía rãnh không khách gì cột trụ kiểu Hy Lạp. Cảnh sắc mở ra ở khúc ngoặt đầu tiên trên kênh ngập tràn vẻ yêu kiều, êm dịu và duyên dáng, Nhiều cây cầu nối hai bờ kênh..."
Chợ Lớn mà ông miêu tả, dường như đến bây giờ không có nhiều thay đổi, có chăng là hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ nét huyên náo phố chợ, vẫn cái vẻ trù phú gợi lên sự hưng thịnh của một chốn từng là trung tâm kinh tế của cả vùng.
Và một Sài Gòn hôm nay...
Sài Gòn ngày xưa cho đến hôm nay vẫn hấp dẫn biết bao con người tìm đến nơi đây để sinh sống, lập nghiệp. Các thế hệ sau, những người đang sống, vẫn nương tựa vào Sài Gòn như nương tựa vào một giá trị vững chắc, một cội rễ khỏe khoắn mà những chiếc rễ của nó cắm sâu vào các địa tầng lịch sử.
Chưa bao giờ ta thấy Sài Gòn xuất hiện trên trang viết mạnh mẽ như thế, từ nghiên cứu chuyên sâu về Sài Gòn đến những bài tùy bút, khảo cứu, tản mạn của nhiều tác giả như: Nguyễn Đức Hiệp với các công tình nghiên cứu như Lịch Sử Doanh Nghiệp Và Công Nghiệp Ở Sài Gòn Và Nam Kỳ Từ Giữa Thế Kỷ XIX Đến Năm 1945, Sài Gòn Chợ Lớn - Ký Ức Đô Thị Và Con Người, Nghệ Thuật Sân Khấu: Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Ở Sài Gòn Và Nam Kỳ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945... Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng vừa ra mắt cuốn tản văn như một lời khẳng định chắc nịch vào những giá trị bất biến của thành phố - Sài Gòn bao giờ cũng thế. Tác giả Phúc Tiến cũng có Sài Gòn then & now, đưa ra so sánh đối chiếu về những đổi thay ở cảnh quan kiến trúc thành phố qua hai thế kỷ. Còn tác giả Phạm Công Luận với bộ Sài Gòn chuyện đời của phố đã đến tập thứ năm, được tái bản nhiều lần. Các trang viết ấy chứng tỏ những câu chuyện nhỏ, một kỷ niệm cũ về Sài Gòn đều có sức hút với độc giả.
Ở tương lai, những cuốn sách viết về đô thị Sài Gòn vẫn còn tiếp nối trong việc khám phá một vùng đất vừa xưa cũ vừa tân thời.
Huỳnh Trọng Khang