Có quy định đó là vì chúng tôi không muốn vô tình tạo nên cuộc đua ngầm giữa phụ huynh, học sinh với nhau. Hoa thôi, chẳng hạn, tưởng chỉ là món quà mang giá trị tinh thần, nhưng có hồng ta 50 nghìn một bó, thì cũng có hồng Ecuador 500 nghìn một cành. Người ta không thiếu gì cách để ngầm khoe giá trị vật chất nếu muốn thể hiện ưu thế vượt trội trước người khác. Đó là tôi chưa nói đến phong bì - một hình thức tri ân biến tướng - có thể khiến hình ảnh người thầy ít nhiều tổn hại trong mắt học trò và phụ huynh.
Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, đó là nét văn hóa đẹp, truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, đề cao tri thức. Học sinh, phụ huynh có nhu cầu chính đáng được cảm ơn thầy cô, và nhà giáo xứng đáng được đón nhận những tình cảm trong lành đó. Vậy còn có hình thức nào khác để kết nối hai nguyện vọng này với nhau?
Năm nay chúng ta hãy thử làm khác đi. Thay vì tặng hoa, tặng quà, hãy gửi tới thầy cô những cuốn sách hay, những tác phẩm ý nghĩa. Các thầy cô sẽ không giữ sách cho riêng mình, mà đóng góp vào các tủ sách, thư viện dành cho học sinh.
Sách tặng không nhất thiết phải mới, thậm chí còn tuyệt vời hơn khi đó là sách cũ bạn từng đọc, từng nhận ra trong đó những điều hữu ích với bản thân. Lúc này, bạn không chỉ tặng một cuốn sách, mà còn chia sẻ một lựa chọn, một kinh nghiệm đọc sách, một trải nghiệm giá trị của mình với người khác. Những người bận rộn sẽ đặc biệt quý trọng điều này.
Tặng sách không chỉ là tặng một món quà kết nối tri thức mà còn kết nối tâm hồn các thế hệ. Một cuốn sách có ý nghĩa với một phụ huynh khi được chọn tặng thầy cô sẽ trở nên vô cùng đặc biệt. Nó gửi gắm tri thức, kinh nghiệm, tình cảm và sự tin tưởng, trân trọng của phụ huynh tới nhà trường, mở ra một kết nối mới giữa cha mẹ và thầy cô.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh phương thức dạy học đang thay đổi mạnh mẽ. Sự phát triển của công nghệ và các nền tảng truyền thông khiến giáo viên không còn giữ vai trò độc quyền trong việc truyền đạt kiến thức như xưa. Các ứng dụng trí tuệ thông minh (AI) đã phần nào thay thế và còn làm tốt hơn nhiệm vụ này.
Tôi tin rằng mỗi giáo viên ngày hôm nay cần trở thành một "The connector" trên bục giảng. Hơn cả truyền đạt kiến thức, giáo viên sẽ là người đồng hành, dẫn đường, dìu dắt và kết nối học sinh với thế giới, với công nghệ, với các nguồn lực để phát triển và khơi dậy tiềm lực bên trong chính mình.
Những cuốn sách hay cũng chính là sợi dây kết nối hiệu quả phụ huynh, học sinh và thầy cô, truyền thêm cảm hứng cho giáo viên trong công việc.
Trong khi con người ngày càng mất tập trung do ảnh hưởng của thiết bị công nghệ và mạng xã hội, việc đọc là một trong những cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất kiến tạo lại năng lực tập trung sâu của mỗi người. Không ai khác có thể truyền cảm hứng cho học sinh đọc sách tốt hơn phụ huynh và giáo viên.
Chúng tôi cũng khuyến khích phụ huynh lên bục giảng và chia sẻ với các con, với thầy cô về cuốn sách mình thích và lý do mình chọn tặng nó. Đó chính là cách cha mẹ làm gương cho con cái mình trong hành trình vun đắp tri thức và trưởng thành.
Tất cả sách gửi tới thầy cô và nhà trường sẽ được tập hợp thành "Tủ sách cho em", nơi phụ huynh có thể cùng đóng góp như một món quà trao gửi tới thầy cô và các thế hệ học sinh tiếp theo. Mỗi trường học phải trở thành nơi nuôi dưỡng việc đọc, bắt đầu từ việc có những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi các em. Không ai có thể xây dựng một thư viện tốt hơn cho học sinh bằng chính học sinh và cha mẹ các em, qua các cuốn sách đã được đọc và thẩm định.
Tôi vẫn thường nghe những lời phàn nàn rằng, trẻ con bây giờ xem nhiều hơn đọc, thích Tiktok, YouTube hơn là sách. Nhưng khi đến các trường học vào giờ tan tầm, nhìn những đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, say sưa đọc trong lúc chờ bố mẹ đến đón, tôi tự hỏi: có phải vì sách bây giờ không sẵn bằng điện thoại hay Ipad? Nếu người lớn bày ra trước mắt và đặt vào tầm tay trẻ nhiều sách hơn là TV và các thiết bị điện tử, thực tế chúng ta nhận được có thể sẽ khác.
Niềm tin này càng được củng cố khi tôi nhận được một tin nhắn từ Kỳ Sơn, Nghệ An - ba ngày sau khi ý tưởng tặng sách được tôi chia sẻ trên trang cá nhân: "Xin giới thiệu, em là một giáo viên mầm non công tác tại vùng biên giới khó khăn, đời sống của dân còn nghèo, nhưng trẻ con lại rất ham xem sách và rất tò mò khám phá qua những trang sách đó. Năm nay, trường em mới làm được một phòng thư viện, nhưng sách dành cho các con còn nghèo nàn, thiếu thốn. Vậy em có thể xin tài trợ cho các cháu một ít sách truyện tranh được không ạ...".
Rất nhiều nơi trên đất nước này - vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi khó khăn - trẻ con vẫn còn thiếu sách. Và đây là điều tiếp theo tôi muốn nói.
Nếu thầy cô, nhà trường nhận được nhiều sách quá, hãy chia sẻ với các trường còn thiếu sách, để sách được lan tỏa rộng khắp hơn. Mann Horace - nhà cải cách giáo dục, "cha đẻ" của trường học công, từng nói: "Nếu tôi có quyền, tôi sẽ đem sách rải khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa vậy". Ai quý trọng tri thức cũng đều có tâm nguyện tương tự.
Sau một tuần kêu gọi tặng sách cho thầy cô, chúng tôi đã nhận được hơn 15.000 cuốn sách - một con số biết nói về nhu cầu chia sẻ tri thức. Tủ sách cá nhân của tôi hiện có hơn 4.000 cuốn. Nhân dịp này, tôi cũng sẽ cho đi khoảng 1.000 đầu sách.
Tặng hoa, dù hồng ta hay hồng Ecuador, đều đáng quý, và cũng sẽ tuyệt vời nếu bạn tặng sách. Những cuốn sách hay, thay vì nằm phủ bụi lãng phí, sẽ hữu ích với không chỉ một người, mà với nhiều người, nhiều thế hệ, nhờ được truyền từ người này sang người khác.
Hoàng Nam Tiến