Lang Minh từng có hơn 10 năm giảng dạy Nhập môn tư duy phản biện tại một số trường phổ thông và đại học ở Việt Nam. Quá trình đó, anh nhận ra phần lớn tài liệu tham khảo và hướng dẫn thực hành kỹ năng này đều là sách dịch, thiếu ví dụ cụ thể, gần gũi đời sống để bạn đọc thực hành, thôi thúc anh thực hiện cuốn Phản biện như một chuyên gia: Lập luận sắc bén và tư duy hiệu quả.
Trong lời nói đầu, Lang Minh cho biết: ''Tác phẩm ra đời với tham vọng dùng góc nhìn phân tích của chuyên gia kết hợp kỹ thuật lập luận ngắn gọn mà sắc nét của báo chí để dẫn dắt bạn đọc Việt Nam làm quen với tư duy phản biện theo một cách sống động, đầy hơi thở cuộc sống''.
Ấn phẩm có năm chương, nội dung hướng dẫn các vấn đề cơ bản của luận cứ - đơn vị cơ bản của tư duy phản biện, như định nghĩa, nguồn gốc, cách kết hợp chúng để tạo thành quan điểm cá nhân. Các khái niệm, kỹ thuật tư duy được Lang Minh sơ đồ hóa rõ ràng. Sau mỗi phân tích, tác giả đều đưa kết luận, bài tập thực hành và gợi ý trả lời cho bạn đọc.
Ví dụ ở chương một, Lang Minh nêu những thành phần tạo nên luận cứ, gồm tuyên bố, lý lẽ và bằng chứng, lần lượt được viết tắt là C-R-E. Trong bài tập đầu tiên, anh thử thách độc giả có thể đưa một vài luận cứ của bản thân, hoặc trích dẫn trong tác phẩm rồi phân tích thành ba hợp phần C-R-E. Kế tiếp, tác giả đặt những câu hỏi: ''Việc phân tách có dễ dàng không'', ''Mối liên hệ giữa C-R-E có hiển ngôn không? Nếu không thì bạn thấy cần phải sửa chữa luận cứ không?'', ''Từng bộ phận có đặc tính rõ ràng không?'', ''Thử sửa sao cho chúng bộc lộ đặc tính rõ ràng nhất?''.
Theo tác giả, có hai phương pháp để triển khai luận cứ, là diễn dịch và quy nạp. Trong đó, diễn dịch dựa vào một đại tiền đề (lý lẽ) có khả năng đúng cao, đưa ra tuyên bố cho chủ đề cụ thể cần thảo luận. Còn quy nạp cần tập hợp các bằng chứng, cho rằng từng phần tử con có cùng tính chất A nên vấn đề cần bàn luận cũng mang hệ A.
Lang Minh lưu ý bằng chứng phải đạt tiêu chuẩn về tính thẩm quyền, có thể kiểm chứng, tính tiêu biểu và đại diện. Ngoài ra, việc mở rộng vấn đề, kết hợp nhiều chứng cứ sẽ tạo lợi thế phản biện cho bản thân.
Tác giả dành một phần để cung cấp tài liệu tham khảo và danh mục khuyên đọc về tư duy phản biện. Chẳng hạn độc giả muốn hiểu thêm về hai phép quy nạp, diễn dịch, có thể tìm đọc bất kỳ giáo trình nào về Logic học từ nhà xuất bản của các trường đại học, hay nghiên cứu sâu trong cuốn Understanding Arguments (bản in lần thứ chín, 2015) của Walter Sinnott-Armstrong và Robert Fogelin. Với tổng quan các vấn đề của luận cứ, Lang Minh giới thiệu tác phẩm Everything's an Argument (bản in lần thứ chín, 2021) của Andrea Lunsford và John Ruszkiewicz.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp nhận xét ấn phẩm được thiết kế như bộ tài liệu hướng dẫn, đủ lý thuyết nhưng không quá hàn lâm nhờ hệ thống ví dụ đa dạng, cụ thể. Thạc sĩ Bùi Trà My, giảng viên đại học RMIT Việt Nam, tâm đắc cách Lang Minh đưa dẫn chứng về các sự việc trên truyền thông và văn hóa đại chúng - những vấn đề khiến nhiều người tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội nhưng không phải lúc nào cũng tỉnh táo và đủ lý lẽ.
Chuyên gia tranh biện Đỗ Hoàng Long tìm thấy chính mình ở tác phẩm. Anh viết: ''Đối với một số người, vẻ đẹp của tranh biện nằm ở tư duy. Với một số khác, tranh biện đẹp khi người tham gia được kết nối tới những điều trong cuộc sống mà họ chưa từng để ý đến. Cuốn sách đã chạm tới tôi ở cả hai khía cạnh, giúp tôi nhớ lại lý do mình bắt đầu với hành trình này''.
Lang Minh hiện là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với Nhà xuất bản Trẻ, Giáo dục, Tri thức. Anh từng có nhiều bài phản biện xã hội được đông đảo độc giả đón đọc trên VnExpress. Tác giả còn ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ 21: Tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy).
Phương Linh