Ngày 2/4, theo Daily Mail, NXB Pan Macmillan quyết định dán nhãn cảnh báo với tác phẩm này trong lần tái bản tới. "Cuốn tiểu thuyết có chủ đề, ngôn ngữ, chi tiết và các hình ảnh mô tả việc phân biệt chủng tộc. Phiên bản này giữ đúng nguyên gốc ngôn ngữ và bối cảnh nó được viết ban đầu. Chúng tôi muốn cảnh báo sẽ có những đoạn văn, thuật ngữ mang tính độc hại, có thể gây tổn thương cho độc giả", đại diện nhà xuất bản nói.
Bản tái bản cũng gồm một bài luận của nhà văn Philippa Gregory về các yếu tố phân biệt chủng tộc trong cuốn sách, được in ở phần lời mở đầu. Tác giả này cho rằng Cuốn theo chiều gió có nhiều chi tiết theo chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng". "Có một lời nói dối đã hủy hoại cái đẹp của cuốn sách. Câu chuyện này như muốn nói với chúng ta người châu Phi không phải là đồng loại của người da trắng", Gregory viết.
Cuốn theo chiều gió (1936) là tiểu thuyết duy nhất của Margaret Mitchell, giúp bà đoạt giải Pulitzer. Theo SMH, tác phẩm là thiên sử thi về cuộc nội chiến giữa Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam ở Mỹ, giai đoạn tháng 4/1861 đến tháng 5/1865. Ra đời năm 1936, sách được nhà xuất bản Penguin Vintage Classics miêu tả là "tác phẩm được nhiều người yêu thích và coi là tiểu thuyết hay nhất của nước Mỹ". Đến năm 2010, sách bán được 30 triệu bản trên toàn thế giới. Ở riêng Trung Quốc, tiểu thuyết có hơn 20 bản dịch được ra mắt.
Nhà văn, nhà phê bình Jane Sullivan nói khi còn là thiếu nữ, bà say mê đọc cuộc phiêu lưu nghẹt thở của cô gái miền Nam Scarlett O'Hara. Nhân vật chính phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn thời hậu chiến.
Trong tiểu thuyết, đồn điền của gia đình Scarlett có 100 nô lệ. Cha mẹ của Scarlett được miêu tả đối xử nhân từ và dịu dàng với những người làm công, đặc biệt kính trọng bà vú Mammy, người nuôi dạy Scarlett và mẹ cô từ nhỏ. Khi chiến tranh kết thúc, nhiều nô lệ được trả tự do hiện lên qua miêu tả của nhà văn là những kẻ nhàn rỗi, xấc xược, luôn nung nấu ý định trả thù người da trắng.
Tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1939, giành tám trên 13 đề cử Oscar, bao gồm hạng mục Phim hay nhất.
Vấn đề phân biệt chủng tộc trong cuốn sách và bộ phim được khơi gợi từ năm 2020, khi John Ridley - người viết kịch bản 12 Years a Slave - viết trên Los Angeles Times rằng tác phẩm phớt lờ sự khủng khiếp của nạn phân biệt chủng tộc, duy trì những định kiến đau đớn về người da màu và lãng mạn hóa chế độ của Liên minh miền Nam. HBO từng phải phải gỡ Cuốn theo chiều gió trên nền tảng phim trực tuyến vì các chỉ trích. Sau đó, hãng cho chiếu lại phim, chèn thêm bốn phút giải thích việc tác phẩm "phủ nhận nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ".
Phương Mai (theo Daily Mail)