Sân khấu liveshow là sân vận động Phú Thọ, heo hút ở quận 11, TP HCM. Vệ sinh ở đây không sạch sẽ, khán giả lại phải đi một quãng đường khá dài từ cổng vào sân khấu, khoảng 300 - 400 m. Những cái ấy dẫu sao vẫn có thể ít nhiều thông cảm. Nhưng cái thiếu chuyên nghiệp nhất chính là việc bố trí khán giả chưa có sự tính toán. Thông thường, vé vào xem một liveshow sẽ có mấy hạng thế này: fanzone (nơi khán giả đứng gần sân khấu), VIP, VIP+… Mọi người hay lầm tưởng VIP là khu vực gần sân khấu. Nhưng không phải, fanzone mới là vị trí quan trọng nhất, vì nó gần sân khấu nhất và là nơi khán giả có thể cháy hết mình cùng nghệ sĩ.
Nhưng hôm ấy, người mua vé ở vị trí fanzone rất ít, chỉ khoảng vài trăm người hai bên, còn người mua vị trí VIP lại rất nhiều. Nếu một êkíp bán vé chuyên nghiệp, họ có thể tư vấn cho khán giả hiểu và lựa chọn. Nếu đã không làm được điều này, lẽ ra, khi nhìn thực tế sân khấu như thế, những người tổ chức có thể tinh ý sắp đặt lại, đẩy vị trí VIP vào vị trí fanzone, để lấp đầy những khoảng trống. Nếu làm được thế, không khí có thể đã khác. Bởi ở vị trí ấy, khán giả nhìn thấy nghệ sĩ rất gần, và nghệ sĩ cũng có thể nhìn thấy khán giả rõ nhất. Khán giả là những cổ động viên khiến cho sân khấu bùng nổ. Khán giả có sung thì nghệ sĩ mới sung. Nghệ sĩ được giao lưu tích cực với khán giả thì mới dễ thăng hoa. Nhưng hôm ấy, nhiều fan của Tùng lại chen chúc ở khá xa, sân khấu thì quá cao, Tùng và fans hầu như không giao lưu được với nhau, nói gì đến việc cùng “cháy” hết mình được.
Thêm một điểm trừ cho liveshow chính là một dãy bàn ngồi như tiệc khai trương, có đồ ăn, đồ uống, và khán giả vừa ngồi ăn vừa xem Tùng biểu diễn. Lúc Tùng nhìn cảnh đó, cảm thấy thực sự thất vọng. Đây là một liveshow nghệ thuật, hay một buổi tiệc động thổ xây dựng? Thực lòng, Tùng không thích cảnh khán giả vừa ăn vừa xem mình biểu diễn như thế. Khán giả đã đến thưởng thức nghệ thuật, thì hãy đứng cùng Tùng, nhảy múa cùng Tùng, và “cháy” cùng Tùng, đó mới là cách tôn trọng nghệ sĩ và tôn trọng chính gu thưởng thức nghệ thuật của mình.
Mặc dù lúc ấy anh Q.H (ông "bầu" của Sơn Tùng) động viên Tùng vì sắp đến giờ diễn rồi mà cứ cáu thế thì khó lòng diễn được, nhưng cảm giác thất vọng là không thể phủ nhận. Tùng đành chấp nhận lời xin lỗi của anh Q.H về những hạn chế không thể khắc phục ngay tại thời điểm ấy, chứ biết làm sao được nữa? Đó là bước đi thất bại của Tùng, bởi đấy không phải là sân khấu của Sơn Tùng M-TP, nơi mà Tùng muốn cháy hết năng lượng.
Bố mẹ Tùng có thể thấy hạnh phúc vì con mình có một sân khấu hoành tráng với đông đảo khán giả như vậy. Vậy nên, Tùng chọn cách im lặng, không chia sẻ với bố mẹ bất cứ điều gì về thất vọng đã trải qua. Hãy để bố mẹ được trọn vẹn với niềm hạnh phúc mà bố mẹ đang có. Tùng không muốn lấy đi cảm xúc ấy của bố mẹ bởi bất cứ suy nghĩ hay lời nói nào. Bố mẹ ở xa Tùng, làm sao hiểu hết về sân khấu, nghệ thuật và những đòi hỏi khắc nghiệt, cầu toàn trong ý nghĩ của Tùng nhằm đáp ứng mong đợi của khán giả.
Đêm ấy, Tùng phải gồng mình lên. Nhạc sĩ Phương Uyên đã chia sẻ trong buổi liên hoan mừng liveshow sau đó: “Liveshow hôm qua, điểm cộng là con, chứ không phải là sân khấu đó. Con đã gồng mình lên để cứu cả sân khấu đó. Nếu như sân khấu hôm qua không phải con mà là một người khác thì chưa chắc đã thành công…". Tùng thật sự rất cảm ơn những lời động viên đó.
Sau đêm ở Sài Gòn, Tùng mời nhạc sĩ Phương Uyên cộng tác với Tùng trong liveshow M-TP Ambition tại Hà Nội. Rõ ràng liveshow ở Hà Nội tốt hơn rất nhiều, một phần do có sự chuyên nghiệp và tài năng của nhạc sĩ Phương Uyên, một phần là sau thất bại ở Sài Gòn, êkíp đã có được chút ít kinh nghiệm.
Đúng là, dũng cảm nhìn lại thất bại của mình, thật không dễ dàng với bất cứ ai. Nhất là khi Sơn Tùng M-TP là một người cầu toàn và luôn đòi hỏi bản thân về sự chuyên nghiệp, học hỏi không ngừng. Sự thật, M-TP Ambition là một thất bại để đời của Tùng. Dù vậy, điều may mắn là Tùng luôn nhìn mỗi một sự kiện xảy ra trong đời mình theo hướng tích cực. Chẳng hạn liveshow lần này, với Tùng là một thất bại đắng cay, nhưng ở một phương diện khác, Tùng có cơ hội ghi nhận một bài học rằng: làm liveshow cần phải thế nào để có một sân khấu tốt, tinh thần tốt và thành công hơn nữa.
Kết thúc liveshow ở hai miền Nam - Bắc, Tùng thấy năng lượng trong người lẽ ra còn có thể làm được nhiều hơn thế nên rất hụt hẫng. Sau hai liveshow, người đầu tiên Tùng nhắn tin là anh Q.H: "Em vẫn chưa thấy thăng hoa. Em còn có thể làm tốt hơn nữa. Em chưa được làm tất cả những gì em có. Em còn có thể bứt phá". Một ngày sau, anh Q.H nhắn cho Tùng: “Anh hiểu cảm giác đó của em, hai anh em cần thêm thời gian để hiểu nhau hơn". Tùng bảo: “Em vội lắm rồi, cuộc đời không cho phép em chờ được nữa. Em tranh thủ khi còn trẻ, nhiều năng lượng để làm thứ em muốn". Anh Q.H biết Tùng muốn bay nhảy và cầu tiến, anh là người rất thông minh, luôn biết cách kiềm chế Tùng lại. Thế nhưng, giờ đây, giữa Tùng và anh Q.H đã có nhiều khoảng vênh. Ở đây, không nói chuyện tốt - xấu trong quan hệ tình cảm mà ở góc độ công việc, Tùng muốn mỗi cột mốc thời gian sẽ đánh dấu sự trưởng thành, bứt phá của mình.
Phần 1, còn tiếp...
(Trích tự truyện Chạm tới giấc mơ, NXB Hà Nội
* Sơn Tùng M-TP: "Tôi không viết tự truyện để chơi ngông"