Tự truyện Chạm tới giấc mơ được Sơn Tùng M-TP ấp ủ từ lâu và vừa ra mắt bạn đọc, gồm ba phần chính. Phần một kể về tuổi thơ của ca sĩ ở Thái Bình, về lần đầu tiên được đứng trên sân khấu cùng thời gian hoạt động trong giới underground. Phần hai kể lại cuộc hội ngộ và chia tay hai ông bầu, lần đầu tiên vào Sài Gòn theo đuổi âm nhạc và tạo nhiều bản hit. Phần ba viết về quãng thời gian ca sĩ 9x theo đuổi sự nghiệp solo, lập công ty riêng.
Nhân dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng sách. Các phần trích đăng do tòa soạn đặt tên.
Phần một: Những năm tháng trong vòng tay bố mẹ
Vào cấp ba “ngon lành” rồi, Tùng có nhiều thời gian rảnh rỗi, thảnh thơi rong chơi. Và Tùng lại quay về với niềm trăn trở: Tại sao người ta thu âm được, mà mình thì không? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu Tùng. Mình đã làm hài lòng các bậc phụ huynh bằng việc thi đỗ vào lớp chọn Toán rồi, vậy giờ có nên chiều đam mê của bản thân? Việc thi đỗ, điểm cao đã đủ để mình hài lòng về bản thân chưa? Mặc dù rất sợ bị mẹ mắng lần nữa, nhưng ý nghĩ mình còn trẻ, cuộc sống chẳng có thú vui, đam mê gì ngoài sách vở thì rất tẻ nhạt, cứ thôi thúc Tùng.
Cuối cùng, Tùng quyết định chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện với mẹ. Lúc ấy, vào buổi trưa mùa hè nắng nóng, Tùng lại “gãi” mẹ: “Mẹ ơi! Mua cho con máy tính đi, có tám, chín mươi ngàn đồng thôi mà, anh Thanh bảo thế”. Mẹ dường như sinh ra để “phũ”, nên mới thường xuyên dội ngay vào ngọn lửa đam mê của Tùng những gáo nước lạnh, đại loại như: “Mày đi hỏi bố ấy! Mẹ không có tiền đâu”. Nhưng Tùng không bỏ cuộc. Ngày nào Tùng cũng năn nỉ mẹ những câu như thế. Sáng nói. Tối nói. Và lần nào cũng nhận lại đều đặn câu trả lời: “Mẹ không có tiền đâu, mày đi mà hỏi bố ấy.” Tùng hiểu, không phải mẹ khắt khe gì với mình, mà vì thời điểm ấy có hiện tượng nhiều học sinh “rủng rỉnh” tiền trong túi thường la cà quán xá, chơi game rồi sinh hư. Vì vậy, mẹ cũng như các bậc phụ huynh khác, luôn từ chối phũ phàng, thậm chí cấm đoán con cái với mong muốn các con chỉ chuyên tâm vào việc học. Nên “Mẹ không có tiền đâu!” có thể nói là câu “kinh điển” nhất của mẹ.
Bẵng đi một thời gian, khi Tùng cảm thấy chán chả muốn hỏi nữa thì một lần, Tùng nghe thấy mẹ nói riêng với cậu Hùng về chuyện Tùng cứ nài nỉ đòi mua máy tính. Đúng là mưa dầm thấm đất, chẳng bao giờ Tùng nghĩ mẹ lại “để bụng” đòi hỏi ấy của Tùng khi mà cứ liên tục từ chối như vậy. Tùng thấy le lói hy vọng khi cậu Hùng bảo: “Thôi chị cho nó dùng đi, em có một cái để ở cơ quan, không dùng đến, để em mang về cho cháu”.
Rồi cậu mang cái máy tính “cổ lỗ sĩ” từ thập kỷ 90 về. Mắt Tùng sáng lên khi nhìn thấy món quà vô giá ấy. Tùng ra quán net, dùng usb chép phần mềm tải nhạc về. Đó là thời kỳ hưng thịnh của nhạc underground. Người chơi tải phần mềm thu âm về máy tính rồi đi tìm beat (nhịp, phách) trôi nổi trên mạng, tải beat mình thích về, rồi “phiêu” ra giai điệu và lời hát. Đó đã là cách làm “cổ điển”. Tùng không ngờ càng làm càng bị cuốn vào. Cứ học xong là Tùng làm nhạc. Bây giờ nghĩ lại, Tùng hiểu rằng mình vẫn vững bước đến hôm nay là nhờ có đam mê dẫn dắt, chính đam mê khiến Tùng vượt qua ái ngại bị bố mẹ từ chối, mắng mỏ. Một mặt vẫn chăm chỉ học tập để bố mẹ yên tâm, hài lòng, nhưng mặt khác, Tùng vẫn nuôi dưỡng đam mê, chiều chuộng sở thích để được sống là chính mình.
Nhiều đêm Tùng phải đợi bố mẹ ngủ say, rón rén dậy, bật máy tính, nghiến răng nghiến lợi kéo ghế thật nhẹ (nhưng nhiều lúc lỡ tay, vẫn nghe ghế “kít” một cái), để bố mẹ không phát hiện ra. Có hôm quên tắt loa, nửa đêm dậy bật máy tính, “bùm” một tiếng, chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này, hú hồn! Có hôm, đang mải “phiêu” theo nhạc thì bỗng có ai đó đập đập vào vai, quay sang thấy bố đứng sừng sững trước mắt, Tùng phải hít một hơi thật sâu rồi mới dám giật mình hết công suất.
Có giai đoạn bố mẹ rút giắc cắm cất đi, lúc ấy Tùng cảm thấy bực mình vì niềm đam mê riêng tư bị quản thúc bởi lý do rất... hợp tình hợp lý của phụ huynh: Học, vâng, học để đỗ đạt và có công ăn việc làm tử tế. Tùng bực lắm, cự cãi với bố mẹ: “Con vẫn học hành, điểm cao, đấy là việc con thích, tại sao bố mẹ lại làm như vậy với con?” Mỗi lần như thế, không khí trong nhà lại căng thẳng một thời gian, bố mẹ con cái chẳng nói chuyện với nhau vì ai cũng cho rằng mình đúng. Nhưng gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, bình yên đến khó tả vì khoảng thời gian mỗi người đều không vui ấy, chính bố mẹ cũng thấy ngột ngạt và muốn thay đổi cách cưỡng ép Tùng theo ý của bố mẹ, kiểu lạt mềm buộc chặt chứ không phải bằng kỷ luật thép nữa. Vì yêu con nên bố mẹ đã gạt bớt những đòi hỏi và lo lắng của phụ huynh thời ấy, để chiều đam mê của con và khuyến khích con theo cách riêng.
* Sơn Tùng M-TP: 'Tôi không viết tự truyện để chơi ngông'
Sau một thời gian căng thẳng, nặng nề, mẹ “hạ hỏa”, cho Tùng dùng máy tính nhưng ra điều kiện mỗi tuần chỉ được chơi một lần. Nhưng Tùng xui em Hoàng rình xem mẹ giấu giắc cắm ở đâu. Hoàng được mỗi tính là biết hợp tác, nó nói nhỏ vào tai Tùng: “Em biết mẹ giấu giắc cắm ở đâu rồi, mẹ giấu trong tủ quần áo, vùi quần áo lên mấy lượt, anh sẽ thấy giắc cắm của anh nằm yên như một con mèo hoang đã bị thuần phục.” Thật không thể tin nổi mẹ lại nghĩ ra cách giấu giắc cắm như trong thám tử Conan thế. Tùng đành sống hai mặt, một mặt coi như không biết chỗ mẹ giấu, cứ đợi mẹ đi vắng là lấy giắc cắm ra, “phiêu” trong âm nhạc, rồi trả về chỗ cũ. Bẵng đi một thời gian, một lần thấy máy tính của “ông Tùng con” vẫn bật, mẹ rên lên: “Mẹ cất đi rồi, sao máy tính của con vẫn bật thế hả Tùng?” Sau này, quá chán với việc cất giấu giắc cắm, mẹ dỗi bảo: “Thôi tao mệt lắm rồi, mày dùng thì dùng đi, chán chả muốn giấu nữa”.
Mới đầu. Tùng không biết dùng máy tính, không biết tiếng Anh, phải mượn điện thoại của mẹ để tra. Máy tính mới dùng không biết tắt, bật. Mất thời gian rất lâu mới làm quen được với máy tính, phần mềm. Phải nhờ hết người nọ người kia hướng dẫn, riết rồi thành quen. Nhưng thấy việc nhờ vả về lâu dài là không ổn, Tùng đành tự mò. Điều đáng nhớ trong thời underground của Tùng là làm cháy máy tính năm, sáu lần, vì máy cùi quá.
Nhiều lần, Tùng phải chui xuống gầm bàn, rút hết dây, vác CPU nặng như con khỉ Kong trên vai, sang hiệu sửa máy tính bên kia đường. Anh thợ sửa máy tính bảo chán sửa máy cho Tùng lắm rồi, khuyên Tùng xin mẹ tiền mua cái ổ cứng mới cho đời nở hoa. Nhưng Tùng năn nỉ anh hết lời: “Mẹ em cho em dùng máy tính là may lắm rồi, không có chuyện mẹ cho tiền mua máy mới đâu. Đừng bao giờ mơ, thôi anh sửa cho em đi”. Đi sửa máy tính cũng phải xuống nước hết sức mới mong anh thợ sửa “động lòng” cho chàng học trò “cò không tiến” có máy tính sử dụng. Lúc nào Tùng cũng có cảm giác háo hức như thể sửa xong máy tính cùi là mai có thể ra MV rồi, nếu đêm nay thu âm kịp. Chính nhờ sự lạc quan trong trẻo, tồi tội ấy mà Tùng đã có những năm tháng tuổi trẻ “nghiến ngấu” với âm nhạc. Mọi người không mấy khi thấy Tùng ra khỏi nhà, lang thang ngoài đường. Thế giới của Tùng lúc ấy chỉ có âm nhạc!
Còn tiếp...
(Trích tự truyện Chạm tới giấc mơ, tác giả Sơn Tùng M-TP, NXB Hà Nội)