Chỉ trong hai tuần đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành 20 sắc lệnh hành pháp, nhiều hơn bất cứ tổng thống mới nhậm chức nào trong những năm gần đây của Mỹ. Những sắc lệnh này được coi là công cụ quyền lực hữu hiệu của các tổng tư lệnh nước Mỹ, nhưng trong tay Trump, chúng dường như chưa thể hiện được sự sắc bén cần thiết, theo Politico.
Hầu hết những sắc lệnh mà Trump ban hành trong hai tuần vừa qua đều có những tác động rất lớn đến xã hội Mỹ và tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. Sắc lệnh gây tranh cãi nhất của ông đến nay là chỉ thị ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Chưa từng có điều luật nào thay đổi chính sách nhập cư của Mỹ lớn đến vậy kể từ đạo luật cải cách nhập cư 1986. Sắc lệnh của Trump đã khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt tại các sân bay ở nước ngoài, khiến lãnh đạo của nhiều nước đồng minh thân cận lên tiếng phản ứng.
Trump còn hủy hoại quan hệ với Mexico một cách không cần thiết bằng sắc lệnh xây bức tường biên giới đầy tốn kém và đòi Mexico phải trả chi phí này. Ông cũng ký sắc lệnh khác cắt giảm các quy định của chính phủ nhưng với những điều khoản không rõ ràng đến mức nó có thể gây ra nhiều bối rối hơn là giảm nhẹ các ràng buộc.
Theo Kent Germany, giáo sư sử học tại Đại học Nam Carolina, sắc lệnh hành pháp được các tổng thống Mỹ trong lịch sử sử dụng rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau. Chúng thường là một công cụ chính trị quan trọng cho phép các tổng thống Mỹ đưa ra những tuyên bố chính sách chủ chốt.
"Chúng giúp các tổng thống linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, khi họ phải hành động thật mau lẹ. Thế nên nếu họ muốn gửi thông điệp đến Quốc hội về những thứ Nhà Trắng muốn làm thật nhanh, sắc lệnh hành pháp là cách để thúc đẩy các nhà lập pháp, hoặc qua mặt họ theo cách nào đó", Germany nói.
Giáo sư Germany cho rằng những lễ ký sắc lệnh diễn ra dưới ánh đèn flash của các phóng viên báo chí là dấu hiệu cho thấy một hình thức quyền lực mà Tổng thống Trump đang tìm cách đạt được.
"Dù quá trình soạn thảo đằng sau hậu trường diễn ra thế nào đi chăng nữa, những sắc lệnh này là thứ mũi giáo mà Trump và các đồng minh muốn dùng để chỉ cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng viện về con đường mà họ sẽ đi", ông nhận định.
Tuy nhiên, giáo sư khoa học chính trị David Schultz thuộc Đại học Hamline thì cho rằng "mũi giáo" đó trong tay Trump vẫn chưa thể hiện được sự sắc bén cần thiết.
"Khi nhìn vào các sắc lệnh mà Trump đã ban hành, chúng thực sự rất mơ hồ, chung chung và gần như không chỉ thị bất cứ điều gì cụ thể", Schultz nói.
Sắc lệnh hành pháp của Trump về đạo luật Obamacare không thực sự ra lệnh cho bất cứ ai làm điều gì, còn sắc lệnh về bức tường biên giới với Mexico lại thiếu cụ thể và không có những chỉ đạo chi tiết, nhất là khi bức tường đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ mà Trump không có.
"Nhiều sắc lệnh như vậy có vẻ giống với thông cáo báo chí hoặc bản tin PR hơn là những mệnh lệnh hành pháp mang tính ràng buộc pháp lý", Schultz nhấn mạnh.
Quyền lực của sắc lệnh
Với việc có hiệu lực ngay mà không cần Quốc hội thông qua, sắc lệnh hành pháp luôn được các tổng thống Mỹ ưa chuộng để thể hiện quyền lực của mình. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đang giữ kỷ lục là người ban hành nhiều sắc lệnh nhất, với gần 4.000 quyết định được ký. Nổi tiếng nhất trong số đó là sắc lệnh 2537 được ban hành năm 1942, yêu cầu công dân của các nước kẻ thù như Đức, Italy, Nhật Bản sống ở Mỹ phải đăng ký với Bộ Tư pháp, đồng thời đưa nhiều người Mỹ gốc Nhật vào các trại quản thúc.
Năm 1948, Tổng thống Harry Truman sử dụng quyền lực hành pháp của mình ký sắc lệnh 9981, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội, sau khi đề xuất này bị các nghị sĩ các bang miền nam đe dọa ngăn cản tại Quốc hội. Đây là một trong số gần 1.000 sắc lệnh hành pháp mà ông Truman đã ban hành.
Năm 1957, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký sắc lệnh 10730, điều 1.000 lính dù tới Little Rock, bang Arkansas để ngăn cản đám đông can thiệp vào quá trình xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc tại trường trung học địa phương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, quân đội Mỹ được huy động để duy trì luật pháp và trật tự ở các bang miền nam.
Theo giới phân tích, trong thời chiến hoặc các thời điểm khủng hoảng nội bộ, sắc lệnh hành pháp của tổng thống là một công cụ rất giá trị để nhanh chóng vãn hồi trật tự và thực thi hành động. Tuy nhiên, trong thời bình, chúng thường gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí là xung đột giữa Nhà Trắng với Quốc hội.
Nhiều tổng thống Mỹ sử dụng sắc lệnh hành pháp như một cách để giải quyết vấn đề hoặc đề ra quy định mà không cần sự xem xét, phê chuẩn của Quốc hội. Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama đã ban hành tổng cộng 276 sắc lệnh trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bị đảng Cộng hòa kiểm soát.
Giáo sư Germany cho rằng các sắc lệnh này là một phần của quyền lực hành pháp liên bang và chúng sẽ tiếp tục được Trump cùng những tổng thống kế nhiệm ban hành. Tuy nhiên, chúng là những mệnh lệnh mang tính ràng buộc pháp lý nên sẽ rất khó để bãi bỏ hoặc thay đổi. Bởi vậy, Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bãi bỏ các sắc lệnh do Obama ký, ngoại trừ một số sắc lệnh gần đây.
Ông cho rằng Tổng thống Trump và các cố vấn của mình cần phải rất thận trọng trong quá trình sử dụng "mũi giáo" sắc lệnh, bởi xét cho cùng, người đứng đầu Nhà Trắng không phải là một vị vua và không nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Quyền lực của họ được quy định trong hiến pháp và các điều luật, cùng những giới hạn cụ thể không được phép vượt qua.
"Bất cứ sắc lệnh hành pháp nào của Trump cũng phải tuân theo một quy trình cụ thể để có thể mang giá trị thi hành của luật pháp và có nhiều thứ ông ấy không thể cứ ra lệnh là được", Germany nhấn mạnh.
Trí Dũng