Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 ký sắc lệnh kiểm soát chặt chẽ hơn các cuộc bầu cử liên bang, trong đó có yêu cầu người dân chứng minh mình mang quốc tịch Mỹ khi đăng ký bỏ phiếu.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người dân có thể dễ dàng chứng minh danh tính và quốc tịch bằng căn cước công dân hoặc chứng minh thư. Tuy nhiên, Mỹ không cấp giấy tờ kiểu căn cước công dân như vậy trên toàn quốc, mà người dân thường sử dụng thẻ nhận dạng hoặc bằng lái xe do chính quyền bang cấp trong các trường hợp cần chứng minh nhân thân.
Theo sắc lệnh của ông Trump, khi đăng ký bỏ phiếu tại bang cư trú, người dân giờ đây sẽ phải xuất trình bằng chứng về quốc tịch, thông qua các giấy tờ như hộ chiếu, Real ID, chứng minh thư quân đội hoặc một loại tài liệu nào đó do chính phủ cấp.

Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 26/3. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, các chuyên gia về quyền bầu cử cho hay một bộ phận lớn người Mỹ không có những loại giấy tờ trên, khiến việc chứng minh quốc tịch đối với họ trở nên vô cùng khó khăn.
Chi phí cao hay thủ tục hành chính rườm rà là hai trong những rào cản khiến nhiều người Mỹ không thể có những loại giấy tờ tùy thân được liệt kê. Các chuyên gia cho hay điều này đồng nghĩa sắc lệnh từ Tổng thống Trump sẽ khiến công dân khó tiếp cận hòm phiếu hơn.
"Nó sẽ tác động đến hàng triệu người", Ron Hayduk, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang San Francisco, bình luận. "Nó sẽ đảo lộn hoàn toàn việc đăng ký cử tri".
Loại giấy tờ tùy thân phổ biến nhất ở Mỹ là Real ID, được các bang cấp cho người dân theo Đạo luật REAL ID năm 2005. Đạo luật này đặt ra các tiêu chuẩn bảo mật tối thiểu cho bằng lái xe và thẻ nhận dạng do bang cấp, nhằm ngăn chặn tình trạng làm giấy tờ giả.
Tuy nhiên, Real ID ở nhiều bang không chứa thông tin về quốc tịch của người sở hữu. Hiện tại, chỉ có 5 bang cung cấp "giấy phép lái xe nâng cao" nêu rõ quốc tịch và mẫu Real ID đang được triển khai ở nhiều bang không có thông tin này sẽ không đủ điều kiện để cử tri chứng minh mình là công dân Mỹ.
Điều này có nghĩa hộ chiếu sẽ là lựa chọn thực tế nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, đối với đại đa số người Mỹ khi họ được yêu cầu chứng minh quốc tịch. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ có khoảng 170 triệu người dân nước này sở hữu hộ chiếu hợp lệ, tức gần 50% dân số.
"Nhiều người không làm hộ chiếu vì họ không có nhu cầu ra nước ngoài", Hayduk nói. "Những người làm hộ chiếu cũng phải mất rất nhiều thời gian, cần vô số giấy tờ chứng minh".
Và chi phí làm hộ chiếu cũng không rẻ. Mức phí cấp mới hộ chiếu Mỹ là 160 USD và thêm 60 USD nếu muốn sử dụng dịch vụ nhanh.
"Lý do chính khiến mọi người muốn có hộ chiếu là để đi du lịch quốc tế, nhưng đây không phải điều mà nhiều người Mỹ làm vì họ không đủ khả năng chi trả hoặc có lẽ không quan tâm đến việc đó", Greta Bedekovics, phó giám đốc chính sách dân chủ tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, giải thích. "Sắc lệnh hành pháp của ông Trump về cơ bản nói rằng nếu bạn không phải người đi du lịch hoặc không đủ khả năng chi trả cho việc đi nước ngoài thì giờ đây, bạn cũng có thể bị ngăn bỏ phiếu".
Theo Ceridwen Cherry, giám đốc pháp lý tại nhóm vận động VoteRiders, việc xin hộ chiếu cũng đòi hỏi người dân phải đến các cơ quan liên quan để nộp hồ sơ. Nhiều cơ quan trong số đó chỉ mở cửa vào giờ làm việc và có thể cách rất xa nơi ở của công dân, tạo ra một rào cản khác.
"Người ta phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, trải qua quy trình tốn kém mới có được hộ chiếu", Cherry nói, thêm rằng không ít người có thể bỏ lỡ thời hạn đăng ký cử tri vì quá trình xin hộ chiếu quá lâu.
Theo đánh giá của giới học thuật và tòa án, trường hợp người không phải công dân Mỹ đi bỏ phiếu là rất hiếm.
Nhiều thập kỷ qua, đảng Cộng hòa đã tìm cách yêu cầu cử tri xuất trình giấy tờ tùy thân tại các điểm bỏ phiếu và sắc lệnh từ Tổng thống Trump đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực đó. Nó phản ánh nỗi ám ảnh về việc quản lý bầu cử cũng như những tuyên bố vô căn cứ của ông rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và 2020 đầy rẫy gian lận, đặc biệt là tình trạng những người không phải công dân Mỹ bỏ phiếu bất hợp pháp.
Một số chuyên gia bầu cử nhận định Tổng thống Trump không có thẩm quyền ban hành lệnh này. Hiến pháp Mỹ trao cho các bang khả năng điều chỉnh "thời gian, địa điểm, cách thức" tổ chức bầu cử, cho phép quốc hội phủ quyết những điều kiện này, song không trao cho tổng thống quyền làm như vậy.
Trong khi đó, Hạ viện Mỹ chuẩn bị thông qua luật yêu cầu phải có bằng chứng về quốc tịch để đăng ký bỏ phiếu. Chưa rõ luật có được Thượng viện phê chuẩn hay không.
Luật này sẽ cho phép cử tri dùng giấy khai sinh làm bằng chứng về quốc tịch. Nhà Trắng chưa nêu lý do Tổng thống Trump loại trừ giấy khai sinh khỏi sắc lệnh của mình.

Cử tri xếp hàng đi bỏ phiếu sớm ở Marion, Bắc Carolina, hồi tháng 10/2024. Ảnh: Reuters
Sean Morales-Doyle, giám đốc chương trình quyền bỏ phiếu thuộc Trung tâm Brennan, là một trong số nhiều học giả pháp lý tin rằng Tổng thống Trump không có thẩm quyền áp đặt các yêu cầu như vậy. Nhưng nếu sắc lệnh hành pháp vẫn có hiệu lực, "hậu quả sẽ khá nghiêm trọng", ông nhấn mạnh.
"Các bang có nhiều hệ thống để đảm bảo rằng chỉ những công dân đủ điều kiện mới được phép bỏ phiếu", Morales-Doyle nói. "Chúng ta không cần yêu cầu mọi người phải xuất trình hộ chiếu để thực thi các luật đó, chúng vốn đã được thực thi thành công rồi".
Morales-Doyle cho hay ông tin rằng nếu được áp dụng, sắc lệnh chứng minh quốc tịch khi đi bầu sẽ ảnh hưởng đến cả cử tri Cộng hòa lẫn Dân chủ.
"Nó sẽ tác động đến mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi dân tộc, mọi nhóm tuổi, bất kể bạn phân chia nhân khẩu học như thế nào", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)