Cách đây bốn năm, một lãnh đạo cấp tỉnh trong ngành công an từng nói: "Không ai bỏ ra một tỷ để cho người khác buôn mình cả". Nhận định này được đưa ra xung quanh thảm kịch nhân đạo về 39 người Việt tử vong trong xe tải đông lạnh tại hạt Essex, Vương quốc Anh tháng 10/2019. Thời điểm đó, tôi quan tâm hai việc: vì sao biết là bất hợp pháp mà họ vẫn đi, và nếu chủ động đầu tư số tiền lớn như vậy thì họ có phải là nạn nhân buôn người hay không.
Có nhiều cách để đưa lao động di cư vào bẫy buôn người và cưỡng bức lao động; hầu hết bắt đầu bằng những lời có cánh về công việc có thu nhập đáng mơ ước.
Trà My - một trong những nạn nhân - trước khi tử vong trong thảm kịch Essex, đã có sự đồng ý của gia đình. Cô gái 26 tuổi được sắp xếp chuyến đi qua sự dẫn dắt của nhiều "nhóm chân rết" ở từng quốc gia với mức giá khoảng 40.000 USD, chia thành nhiều chặng. My đã vài lần thất bại, bị trục xuất và tiếp tục thử lại cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra. Sự quyết tâm của My đại diện cho những cộng đồng có niềm tin vững chắc vào công thức thay đổi bộ mặt kinh tế hộ gia đình và quê hương bằng con đường di cư lao động bất hợp pháp đến Anh và châu Âu.
Hình ảnh những ngôi làng tỷ phú ở Nghệ An và Hà Tĩnh tạo ra hình tượng thành công để nhiều hộ gia đình ở địa phương theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua. Đấy là thông lệ xã hội ngoài pháp luật (illegal social norms) được cộng đồng chấp thuận rồi đánh cược một số tiền lớn từ vay mượn để dành cho chuyến đi. Điều này lý giải dù biết là lộ trình bất hợp pháp và nhiều nguy hiểm, họ vẫn chọn. Theo một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế & Xã hội (Liên Hợp Quốc), ước tính các đường dây buôn người đã đưa khoảng 18.000 lao động Việt Nam mỗi năm như My đến châu Âu qua các lộ trình bất hợp pháp.
42 người Việt phải bơi qua sông để thoát thân khỏi một cơ sở cưỡng bức lao động ở biên giới Campuchia tháng 8/2022 lại kể một câu chuyện khác. Họ đại diện cho xu hướng mới nổi của những phương thức lừa đảo môi giới việc làm xuyên quốc gia dựa vào nền tảng mạng xã hội, vốn nhắm tới những lao động trẻ chưa có năng lực kiểm định thông tin về chuyến đi và việc làm. Họ đưa ra quyết định chỉ dựa vào tư vấn của những người tuyển quân ("chân rết" của đường dây buôn người) về "việc nhẹ lương cao". Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm buôn bán người giai đoạn 2018-2022 ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo.
Trong cả hai trường hợp, dù bị lừa hay chủ động tìm cách đi, họ đều là nạn nhân của hoạt động buôn người, vừa đáng trách vừa đáng thương. Bởi một khi đã lựa chọn di cư lao động có yếu tố bất hợp pháp, họ sẽ bị các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia săn mồi và đưa vào bẫy, lạm dụng tình trạng yếu thế để kiểm soát và bóc lột. Tình trạng này theo khung chỉ báo về cưỡng bức lao động của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bao gồm việc nạn nhân bị đe dọa vì lệ thuộc nợ, bị kiểm soát giấy tờ, lệ thuộc chủ lao động về nơi ăn chốn ở và việc làm, bị giữ lại tiền lương như một hình phạt hoặc bắt làm thêm giờ quá nhiều, thiếu hiểu biết về pháp luật và hạn chế ngoại ngữ.
Một trong các giải pháp quốc tế cấp thiết cho vấn đề xuyên biên giới này là hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân và người sống sót trở về. Vì vậy, theo tôi việc xác định tư cách nạn nhân của những lao động bị buôn bán, bóc lột là một cách tiếp cận nhân văn dựa vào quyền con người. Theo số liệu của cơ quan điều tra Việt Nam, 60% "chân rết" trong đường dây buôn người đều từng là nạn nhân, nên việc này còn giúp hạn chế khả năng chính nạn nhân trở thành kẻ buôn người trong tương lai.
Thông lệ xã hội ngoài pháp luật - đề cao thành tựu kinh tế của những người từng đi lao động bất hợp pháp nước ngoài ở một số cộng đồng - chính là những tiềm ẩn có lợi cho nạn buôn người. Vì vậy, giải pháp khác quan trọng là từng bước nâng cao nhận thức về phẩm giá công dân, cưỡng bức lao động và vấn nạn buôn người từ cấp độ hộ gia đình trong cộng đồng. Mỗi cá nhân khi ý thức về những rủi ro tiềm ẩn sẽ bảo vệ được bản thân trước cạm bẫy "việc nhẹ lương cao". Xa hơn nữa, cần cả cộng đồng không thờ ơ với những kẻ buôn bán chính đồng bào của mình bằng những hành động tố giác kịp thời.
Ngày 30/7 năm nay đánh dấu 10 năm Liên Hiệp Quốc cùng các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cùng đấu tranh phòng chống nạn buôn bán người. Chủ đề của năm nay là hướng đến không để nạn nhân nào bị bỏ lại phía sau.
Tôi cũng như bạn, cần nhận diện buôn bán người là tội ác nghiêm trọng, và lao động di cư dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không phải là món hàng để đổi trao.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên