Chiều 9/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định sa thải "có hiệu lực ngay lập tức" với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bằng một bài đăng ngắn trên Twitter. "Mark Esper đã bị loại bỏ. Tôi cảm ơn sự phục vụ của ông ấy", Trump viết, trước khi thông báo rằng Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Christopher Miller sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Chris Cillizza, bình luận viên của CNN, cho rằng quyết định này của Trump không gây ra quá nhiều ngạc nhiên. Chỉ trong hai năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có tới 4 quyền bộ trưởng, trong khi Esper đã trở thành "cái gai" trong mắt Trump nhiều tháng qua.
Esper bất đồng với Trump khi phản đối triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực tại các thành phố lớn của Mỹ sau cái chết của George Floyd hồi tháng 5. Hôm 4/11, năm ngày trước khi Trump thông báo quyết định sa thải, Esper đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Military Times, dự đoán mình sẽ bị loại bỏ vì không "nhất nhất nghe lời" Tổng thống.
Việc sa thải Esper bình thường sẽ không quá gây chú ý. Nhưng vào lúc này, đây lại là điều rất đáng lưu ý, bởi nó đánh dấu động thái đầu tiên của Trump trong 72 ngày có thể là hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại.
Trump tới nay vẫn chưa nhận thua trước Joe Biden, người được truyền thông Mỹ "xướng tên" là Tổng thống đắc cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Các quan chức chiến dịch hàng đầu của ông hôm 9/11 tổ chức họp toàn thể, cho rằng ông vẫn còn cơ hội trong cuộc đua. Thực tế, Tổng thống đã tuyên bố sẽ theo đuổi kiện tụng tới cùng, bởi thất bại dường như là viên thuốc quá đắng với ông.
"Thắng là điều rất dễ dàng", Trump từng nói trước nhân viên chiến dịch trong Ngày bầu cử. "Thua không bao giờ dễ dàng, nhất là với tôi".
Việc thua cuộc sẽ khiến Trump cực kỳ giận dữ, cay đắng, và có thể tìm cách báo thù, không nguyện ý làm theo những quy định truyền thống trong quá trình chuyển giao quyền lực của chính trị Mỹ, Cillizza nhận định. Điều đó có nghĩa việc sa thải Esper có thể là nước cờ đầu tiên trong vô số những hành động sắp tới của Trump từ nay tới 20/1/2021.
Trong thời gian trước bầu cử, Trump liên tục công kích Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray vì bất lực khi không thể điều tra được cáo buộc "tha hóa" trong nội bộ.
Washington Post cuối tháng 10 đưa tin Trump đang cân nhắc sa thải Wray sau bầu cử, động thái cũng làm gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một người trung thành với Trump nhưng đã để mất sự ưu ái khi trì hoãn điều tra sai sót trong công tác phản gián của FBI mùa bầu cử năm 2016. Trang tin Axios hồi cuối tháng 10 cũng đưa tin Trump có thể sa thải Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel.
Việc loại bỏ những người đứng đầu Bộ Quốc phòng, CIA và FBI, thậm chí có khả năng là Bộ Tư pháp, có thể chỉ là bước khởi đầu trong một loạt cuộc "thanh lọc" toàn chính phủ những người được cho là không đủ trung thành với Trump.
"John McEntee, giám đốc Phòng Nhân sự Tổng thống Nhà Trắng, đang lan truyền thông tin rằng nếu ông nghe thấy bất kỳ ai đang có ý định tìm việc khác, họ sẽ bị sa thải", CNN dẫn lời một quan chức cấp cao cho hay.
Sau các quyết định sa thải nhân sự, Trump có thể tung ra hàng loạt lệnh ân xá và giảm án. "Dù thắng hay thua, Tổng thống Trump cũng có thể tìm cách ân xá cho các thành viên trong gia đình, quan chức trong chính quyền của ông và có thể là bản thân ông nữa, như Gerald Ford đã làm với Richard Nixon, trước khi bất kỳ ai đó trong số họ có thể bị luận tội", Mark Osler, giáo sư luật Đại học St. Thomas, từng nêu ý kiến hồi cuối tháng 10.
Khả năng xảy ra điều này rất cao, bởi Trump từng giảm án cho thân tín chính trị lâu năm của mình như Roger Stone hồi tháng 7, hay cựu thống đốc Illinois Rod Blagojevich và cựu cảnh sát trưởng hạt Maricopa Joe Arpaio.
Sau đó, Tổng thống có thể sẽ tiến hành hàng loạt động thái khác thông qua các sắc lệnh hành pháp hay thay đổi quy định của cơ quan chính phủ. Tác động của những quyết định này có thể không được nhận ra cho tới khi Trump chính thức mãn nhiệm vào trưa 20/1/2021.
Cillizza cho rằng trong 4 năm qua, Trump đã biến các vị trí trong nội các của mình thành phần thưởng để ban phát cho bạn bè và những người trung thành, đồng thời trừng phạt "kẻ thù". Ông nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy trong 10 tuần tới, nếu nhận rõ rằng mình không có khả năng giành được nhiệm kỳ thứ hai.
"Một tổng thống giận dữ nắm trong tay nhiều quyền lực và không biết chùn tay khi sử dụng nó là điều hết sức đáng sợ", Cillizza kết luận.
Hồng Hạnh (Theo CNN)