Trao đổi với VnExpress trưa nay, ông Trương Đình Song, đại diện Hội Thẻ xác nhận các ngân hàng đã bàn tới quy định này từ tháng 3 và có thể đi đến quyết định chính thức trong nay mai. Cuối tháng 6, hội sẽ có thông báo chính thức về vấn đề này.
Còn ông Lê Đào Nguyên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức phí nói trên sẽ do ngân hàng phát hành thẻ thu từ khách hàng của mình và khả năng áp dụng là rất cao. Tạm thời các ngân hàng chưa tính tới chuyện thu phí giao dịch liên mạng (tức là chủ thẻ của ngân hàng A rút tiền tại ATM của ngân hàng B).
Khách hàng đòi hỏi dịch vụ tốt hơn khi ngân hàng thu phí. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thị trường thẻ Việt Nam hiện có trên dưới 10 triệu khách hàng, trong đó đa số thuộc về hai liên minh Smartlink và BankNet. Trung tuần tháng trước, năm ngân hàng thuộc hai liên minh này (gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Incombank và Techcombank) đã kết nối hệ thống thanh toán với nhau, tạo điều kiện cho khách hàng của một ngân hàng được rút tiền mặt ở ATM của cả bốn ngân hàng còn lại. Số ATM của năm ngân hàng này vào khoảng 3.600 máy, chiếm gần 65% tổng số máy tại thị trường Việt Nam.
Kể từ khi kết nối hai hệ thống, mỗi ngày có khoảng 5.000-6.000 giao dịch liên mạng. Riêng giao dịch nội mạng của Smartlink vào khoảng 100.000, trong đó giao dịch tài chính (rút tiền mặt và chuyển khoản) chiếm gần một nửa.
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Smartlink cho biết các ngân hàng tham gia kết nối thỏa thuận khi có giao dịch liên mạng, ngân hàng phát hành phải trả phí cho ngân hàng thanh toán (ví dụ, chủ thẻ của Vietcombank nếu rút tiền trên máy của BIDV, thì Vietcombank sẽ phải trả phí cho BIDV). Phí xử lý giao dịch đó, khách hàng có phải chia sẻ hay không, còn tùy thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng.
Theo bà Tú Anh, ngoài phí xử lý giao dịch liên mạng này, thông lệ quốc tế khuyến cáo không nên thu phụ phí với khách hàng (thu từ chủ thẻ khi sử dụng dịch vụ, dù đó là giao dịch liên mạng hay nội mạng).
Lâu nay một số đơn vị đã thu phí duy trì và quản lý tài khoản của khách hàng. Các ngân hàng lý giải chuyện thu phí rút tiền mặt kể từ 1/7 tới là nhằm bù đắp chi phí đầu tư cho máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng cũng như chi phí quản lý khách hàng. Giá nhập mỗi chiếc ATM lên đến hàng chục nghìn USD. Nhiều ngân hàng đang phát hành thẻ không công, nếu có thu của khách hàng cũng không đủ bù chi phí in ấn, phát hành và quản lý.
Mối lợi lớn nhất của các ngân hàng là nguồn tiền gửi ngắn hạn với lãi suất rẻ. Theo quy định, tiền trong tài khoản thẻ ATM chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, gần như bằng 0%. Trong trường hợp khách hàng muốn rút hết tiền, họ vẫn phải bớt lại 50.000-100.000 đồng để duy trì số dư tối thiểu theo quy định của ngân hàng.
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước khẳng định các ngân hàng có quyền tự chủ trong kinh doanh, song trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng cao, thời điểm bắt đầu thu phí chưa thực sự phù hợp.
Là một trong số ít khách hàng không phản đối chuyện thu phí rút tiền mặt, tuy nhiên, chị Lan Thanh, chủ thẻ Vietcombank ở Hà Nội cho rằng đi đối với việc thu phí, ngân hàng cần cam kết cung ứng dịch vụ tốt hơn. "Tôi thà bỏ 1.000 đồng để được hưởng dịch vụ hoàn hảo, hơn là phải chứng kiến cảnh nghẽn mạng, ATM hết tiền vào ngày cuối tuần hay dịp lễ, thậm chí không rút được nhưng trong tài khoản vẫn bị trừ tiền...".
Trong một cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc do VnExpress tiến hành cuối năm ngoái, hơn 73% ý kiến tham gia phản đối việc thu phí ATM. Số còn lại đồng ý với điều kiện ngân hàng phải mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ và nâng cấp dịch vụ của mình.
Song Linh
Bạn nghĩ gì về chuyện các ngân hàng thu phí rút tiền qua ATM?