"15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng trên mạng xã hội hôm nay. "Họ đã bị làm bẽ mặt và thảm bại mà không cần một phát súng nào".
Tuyên bố được Zakharova đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút một phần lực lượng về căn cứ sau khi hoàn tất đợt diễn tập gần biên giới với Ukraine. Video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy các phương tiện quân sự lên đường trở về căn cứ, nhiều xe tăng, thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành được chuyển lên tàu hỏa.
Trước đó, một số hãng tin phương Tây dẫn lời các quan chức giấu tên cho rằng Nga sẽ mở chiến dịch tấn công Ukraine vào ngày 15/2, khi mặt đất ở biên giới Nga - Ukraine đóng băng hoàn toàn, cho phép các phương tiện cơ giới quân sự di chuyển dễ dàng hơn. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, cho rằng chúng là sản phẩm của "cỗ máy tuyên truyền" phương Tây.
Hiện vẫn chưa rõ Nga đã rút bao nhiêu quân và còn bao nhiêu binh sĩ ở dọc biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, đây được coi là bước đầu tiên trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thời gian qua giữa Nga và phương Tây.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng cần xem xét thêm quy mô rút quân của Nga. "Người Nga tuyên bố họ không có kế hoạch tấn công, nhưng chúng ta cần thấy họ rút toàn bộ quân để chứng minh điều đó là đúng", bà cho hay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng nỗ lực ngoại giao của nước này và đồng minh đã ngăn Nga hành động leo thang. Tuy nhiên, Kuleba cảnh báo tình hình dọc biên giới vẫn còn căng thẳng và hối thúc Nga rút hết lực lượng còn lại gần Ukraine.
Căng thẳng bắt đầu lên cao từ cuối năm ngoái, khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine. Tình báo Mỹ và phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga có thể hành động quân sự với Ukraine "bất cứ lúc nào".
Từ cuối tuần qua, Mỹ, Anh, Australia, Israel cũng như một số quốc gia khác đã kêu gọi công dân rời Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời sơ tán hầu hết nhân viên ngoại giao khỏi Kiev và chuyển dịch vụ lãnh sự tới Lviv.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Washington, Kiev leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.
Nga nhiều lần bác cáo buộc có kế hoạch tấn công Ukraine, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh. Moskva cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả của việc Mỹ và Tây Âu phớt lờ những lo ngại an ninh chính đáng của họ.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã cảnh báo dự án dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu sẽ không được tiến hành nếu chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của EU cần được toàn thể thành viên nhất trí và Borrell tự tin tất cả 27 quốc gia thành viên sẽ ủng hộ trừng phạt Nga nếu xung đột nổ ra. Quan chức này cũng nhấn mạnh EU sẵn sàng thảo luận về những lo ngại an ninh của Nga.
Xem thêm:
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Huyền Lê (Theo Telegraph)