"Việc rút tiêu chí không bán rượu bia ở các cơ sở ăn uống tại chỗ để bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung vào trọng tâm hơn", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cho biết, sáng 27/10.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, việc không bán rượu bia tại cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ nếu có cũng chỉ mang tính thời hạn. UBND TP HCM sẽ tùy thuộc diễn biến tình hình dịch để áp dụng quy định này hay không.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Trước đó, hôm 24/10, Ban quản lý an toàn thực phẩm gửi UBND thành phố Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Trong đó, có tiêu chí yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ không bán rượu, bia, không mở máy điều hòa trong phòng kín.
Giải thích lý do đưa ra đề xuất này, lãnh đạo Ban an toàn thực phẩm TP HCM nói rằng ít ai uống rượu bia mà ngồi lặng lẽ rồi đi về, trái lại thường tụ họp, chúc tụng và có những hành động thiếu kiềm chế dẫn đến nguy cơ lây lan dịch, nhất là khi không đeo khẩu trang.
Các tiêu chí còn lại gồm: cơ sở kinh doanh ăn uống phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm gov.vn/; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm về trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan;
Cơ sở cũng phải triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19, bố trí khu vực giao nhận sản phẩm; trang bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, thiết bị và khăn làm khô tay; người lao động, người đến cơ sở (giao nhận hàng, khách hàng...) tuân thủ 5K; thực hiện quét mã QR và khai báo y tế, tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19... Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm.
Đề xuất sau đó làm dấy lên các luồng ý kiến trái chiều. Bên ủng hộ nói dịch ở TP HCM vẫn nguy cơ bùng phát nên việc cấm bán bia, rượu trong một thời gian là cần thiết. Ngược lại, các ý kiến không đồng tình cho rằng sau nhiều tháng siết chặt giãn cách, nhiều hàng quán gặp khó khăn nên cần tạo điều kiện hoạt động khi Covid-19 được kiểm soát.
Thống kê Sở Công thương TP HCM, doanh thu ăn uống ở thành phố 8 tháng qua đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Covid-19 bùng phát khiến kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng, thu hẹp kinh doanh.
Hôm 24/10, UBND TP HCM đã công bố cấp độ dịch ở 22 quận huyện trên địa bàn. Theo đó, 9 quận huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và Bình Tân là đơn vị duy nhất còn ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Chính quyền thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, đến nay các quận huyện đang chờ hướng dẫn cụ thể của UBND TP HCM trước khi cho các cơ sở ăn uống được phục vụ tại chỗ.
Hữu Công