Là mẹ đơn thân phải nuôi ba đứa con, lại thường xuyên vật lộn với chứng trầm cảm dai dẳng, thất nghiệp đẩy tôi vào tình thế bế tắc hoàn toàn. Tôi thường xuyên có cảm giác mình là người thừa, kẻ vô dụng. Tôi chỉ là một tác giả viết sách, bà nội trợ đã dành cả thanh xuân để nấu cơm cho chồng con ở châu Âu trước khi tất cả đổ vỡ khiến tôi phải quay về.
Tôi lúc đó không thể tự nuôi ba con và phải sống phụ thuộc người khác, không biết bao lần tôi muốn tìm tới sự kết thúc chính mình bằng cái chết. Tương lai với tôi ảm đạm như bức tranh vũ trụ tôi vẽ, vẫn gác ở chân tường.
Tháng bảy năm ngoái, bế tắc tận cùng sau ba tháng không việc làm, không thu nhập, tôi lên công ty lấy lại sổ bảo hiểm xã hội và quyết định sẽ rút một lần để lấy tiền tiêu. Dù quãng thời gian tôi đi làm ở Việt Nam sau khi trở về từ châu Âu chỉ gần bốn năm, khoản tiền nếu rút cũng chỉ vài chục triệu. Nhưng có còn hơn không. Tôi nghĩ, không có việc ai đóng bảo hiểm cho, không rút ra để đấy làm gì.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình đã may mắn. Cơ quan bảo hiểm xã hội không cho tôi rút với lý do chưa đủ một năm thất nghiệp như quy định. Tôi đem chuyện kể với bố mẹ chồng. Ông bà khuyên tôi bằng mọi cách hãy tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu. Nó là mỏ neo của tương lai, nơi tôi có thể bớt phụ thuộc con cái lúc về già.
Tôi định ký hợp đồng lao động danh nghĩa với một công ty quản lý toà nhà chỉ để họ đóng bảo hiểm giúp. Nhưng tìm hiểu kỹ, tôi phát hiện ra rằng người lao động có thể tự đóng bảo hiểm xã hội mà không cần làm cho nơi nào.
Hơn một năm nay, tôi tự ra Trung tâm Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình để đóng bảo hiểm xã hội hàng quý. Tại đây, người dân có thể tự khai mức thu nhập hàng tháng trong khả năng, nhân viên trung tâm sẽ căn cứ vào mức đó tính ra số tiền phải đóng. Tôi chọn mức thu nhập năm triệu đồng và mỗi tháng đóng hơn một triệu đồng.
Mới đây, vẫn có người rủ tôi đi rút bảo hiểm xã hội. Chị đi làm được tám năm và đã thất nghiệp đủ một năm. Hiện chị không đóng bảo hiểm xã hội nữa và sống bằng trợ cấp thất nghiệp. Chị nói nếu rút hết một lần cũng được cả trăm triệu để đầu tư vào việc khác có lãi hơn, chứng khoán hay bán hàng online chẳng hạn.
Có vô số lý do khách quan và chủ quan khiến nhiều người đang tuổi lao động như chị muốn rút bảo hiểm xã hội. Thời gian tối thiểu phải tham gia bảo hiểm để được hưởng lương hưu hiện là 20 năm. Với nhiều người, trong đó từng có tôi, đó là quãng thời gian rất dài, dễ khiến nản lòng.
Nhiều người tự hỏi mình có đủ việc làm và sức khoẻ để đóng liên tục suốt 20 năm không, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sinh kế phập phù như hiện nay? Tôi nghĩ, nếu nhà nước cân nhắc rút thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xuống 10-15 năm như một số nước, cho dù khoản lương hưu thấp hơn cũng sẽ mở ra hướng an sinh tuổi già cho hàng triệu dân.
Thứ nữa, bảo hiểm xã hội của nước ta đang được thiết kế khá đơn giản theo kiểu đóng bây giờ - hưởng mai sau, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Mô hình này được nhiều chuyên gia cho rằng khá đơn sơ so với quy mô và dạng thức linh hoạt, tiên tiến của nhiều nước.
Đã có không ít ý kiến đề nghị cải cách tư duy quản trị và chính sách của quỹ bảo hiểm quốc gia. Về bản chất, đây là một quỹ tài chính công, nên nó cần được quản lý, vận hành như một quỹ đầu tư để tối ưu hóa lợi nhuận từ số tiền người dân đóng bảo hiểm. Lợi nhuận càng cao, nhà nước càng có thêm nguồn lực để có thể tăng lương hưu, đầu tư cho hệ thống an sinh quốc gia, cũng chính là chất lượng hưu trí của người dân.
Liệu bảo hiểm xã hội có thể kết hợp, cải tiến với một dạng thức bảo hiểm nào khác hay chính sách xã hội khác để tăng thêm tính hấp dẫn cho mô hình này? Tôi nghĩ Quốc hội có thể đề nghị, nhà hoạch định chính sách hoàn toàn có thể nghiên cứu, điều chỉnh luật về bảo hiểm xã hội và cách tiếp cận theo hướng tạo thêm nhiều khuyến khích và lựa chọn cho người tham gia. Có như vậy, câu chuyện lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, đổ xô đi rút bảo hiểm mới thôi trở thành đề tài cứ vài tháng lại ồn ào.
Là một lao động sẽ tiến đến tuổi già của mình trong 20 năm tới, tôi hiểu trăn trở rút bảo hiểm hay đi tiếp của nhiều người hôm nay. Đó là quyền tự do cá nhân và điều đó cần được tôn trọng, và vì mỗi người một điều kiện. Nhưng từ góc độ xã hội, việc hiện nay nước ta mới có hơn 30% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội là mức rất thấp so với thế giới cũng như so với kỳ vọng của Chính phủ.
Còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động tại Việt Nam, vì đâu họ chưa tham gia quỹ bảo hiểm quốc gia trong khi số người rút lui có thể còn tăng nữa. Một số giải pháp cấp bách cần được thực thi ngay trong những năm Covid này để hệ thống bảo hiểm xã hội trở thành bệ đỡ cho cả người dân lẫn chiến lược của nhà nước.
Tôi đã phải mò mẫm giữa rừng thông tin nhiều hôm trước khi quyết định giữ bảo hiểm xã hội cho mình, đã mất nhiều công sức tra cứu, đi hỏi nhiều người, đến tận cơ quan bảo hiểm xã hội để hỏi nhân viên về các quy định, quyền lợi của người lao động. Giá mà cơ quan bảo hiểm xã hội làm truyền thông tốt hơn thì tôi tin, sẽ có thêm người dân muốn tham gia vào hệ thống bởi họ hiểu rõ những lựa chọn của mình.
Tương lai, với ai cũng vậy, luôn hàm chứa bất định, đôi khi một mỏ neo dù rất nhỏ cũng rất quý. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu được tin rằng: mình có tương lai.
Dương Hương Trà