Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Không bộ phận nào trong cơ thể không chịu tác động của rượu bia khi uống. Chỉ sau 10 phút uống rượu, hầu hết nội tạng như tim, gan, dạ dày, thận... bị ảnh hưởng và gây bệnh tật nếu uống quá nhiều.
Tim
Uống rượu làm giảm chức năng cơ tim, lưu lượng máu vận chuyển đến các bộ phận cơ thể không đều. Đây là lý do những người nghiện rượu thường mắc bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, mệt mỏi. Uống rượu cũng làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và huyết áp cao.
Trái tim của những người nghiện rượu to gấp đôi người bình thường, y học thường gọi là "tim bò" hoặc "tim bia". Hệ tim mạch bị tổn thương do rượu gây đau đầu, khó thở, mắt cá sưng to.
Dạ dày
Khi vào cơ thể, rượu được hấp thụ 20% tại dạ dày, còn lại ở các cơ quan khác. Rượu làm tăng tính axit của dạ dày và gây kích thích, ăn mòn niêm mạc dạ dày. Khi rượu di chuyển đến ruột non làm gián đoạn hệ thống tiêu hóa, ngăn chặn cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ruột non và ruột già cũng bị kích thích do rượu dẫn đến tiêu chảy, ợ nóng...
Gan
Uống quá nhiều rượu khiến tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa, sau đó tích tụ ở gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Lý - Hội Gan mật TP HCM cho biết 90% người thường xuyên dùng rượu bia bị gan nhiễm mỡ. Rượu bia cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Tuyến tụy
Uống bia rượu quá nhiều làm hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy nên tắc nghẽn, dẫn đến viêm tụy cấp. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng nhịp tim, tiêu chảy và sốt.
Tuyến tụy cũng là cơ quan tạo ra insulin. Do đó, khi bị rượu phá hủy chức năng, tuyến tụy hoạt động không hiệu quả dẫn đến bệnh tiểu đường.
Thận
Uống rượu có thể lợi tiểu nên bạn bị mất nước, các khoáng chất quan trọng như magiê và canxi bị mất qua nước tiểu hoặc nôn mửa. Khi ấy nhịp tim không đều, người bệnh co giật. Thận không thể thực hiện chức năng điều chỉnh dòng chảy của chất lỏng cơ thể một cách bình thường gây mất cân bằng điện giải.
Uống quá nhiều bia rượu cũng có thể dẫn đến huyết áp cao, là nguyên nhân lớn thứ hai làm suy thận.
Các chuyên gia khuyên để phòng bệnh nên từ bỏ rượu bia, bắt đầu bằng việc giảm dần lượng rượu uống trong tuần. Bệnh nhân cần được tư vấn về chế độ ăn uống, bổ sung vitamin và khoáng chất, giảm các loại thuốc, thực phẩm có hại cho gan...
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, chỉ nên uống rượu bia bằng khoảng một phần 5 tửu lượng bản thân mỗi ngày, không lạm dụng. Liều lượng tốt nhất mỗi ngày là một lon bia khoảng 330 ml (5% alcohol) hoặc 100 ml rượu vang (12% alcohol) hay 40 ml whisky (40% alcohol), pha kèm với đá lạnh. Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống bia rượu. Thai phụ cá biệt vẫn sử dụng rượu thì phải dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.
Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích sẽ gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
Thùy An