Ngày 1/12, anh Rào, 46 tuổi, trú xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đi khảo sát ruộng nương để tính kế sản xuất. Băng qua bãi cát sát sông Nguồn Rào, anh Rào nói trước trận lũ tháng 10, đây từng là mảnh ruộng màu mỡ nuôi sống vợ chồng và một người con.
Giờ ruộng bị cát phủ dày khoảng 70 cm. Một phần ruộng khác bị sông cuốn trôi. Rẫy sắn trồng 10 tháng qua chuẩn bị thu hoạch bị núi lở vùi lấp, giờ ngổn ngang đá tảng, cây rừng.
Tranh thủ ngày nắng, anh Rào mang 2 bao lúa bị ẩm sau mưa ra phơi trước sân nhà. Đây là số lương thực còn lại để gia đình ăn trong 6 tháng tới. "Ruộng nương bị vùi lấp, gia đình chưa biết phải trồng cây gì để sinh sống", anh Rào nói.
Xã Hướng Sơn có hơn 192 ha trồng lúa nước, nhưng mưa lũ khiến 90 ha bị vùi lấp bởi đá và gỗ rừng nên không thể cải tạo. "Thời gian sắp tới, bà con gặp khó khăn về lương thực, nguy cơ thiếu đói là rất lớn", ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, nói.
Tương tự, cánh đồng của ông Lê Xuân Uyển, 56 tuổi, trú xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bị đất bùn bồi lấp dày gần một mét, không thể gieo trồng vụ lúa đông xuân. Muốn gieo trồng, người dân phải cải tạo mất nhiều thời gian và công sức.
Theo kinh nghiệm của ông Uyển, lượng đất bồi lấp có một số yếu tố độc hại cho cây, nếu trồng lúa thì sẽ hư rễ và chết. "Chúng tôi lo lắng vì không kịp thời vụ mà cũng không biết trồng cây gì nữa", ông Uyển nói.
Sau khi khảo sát một số vùng bị bồi lấp tại huyện Bố Trạch, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá mức độ bồi lấp lớn và dày. Tầng bồi lấp trên cùng là lớp đất sét nặng nên rất khó để canh tác ngay nếu không cải tạo. Viện này đã lấy các mẫu đất tại từng địa điểm, phân tích đánh giá mức độ chất độc hại để khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 1.650 ha ruộng nương bị vùi lấp. Tỉnh đang huy động lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, người dân... cùng phương tiện để san gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp, nhằm sớm chuẩn bị cho vụ đông xuân vào một tháng tới, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho hay. Tuy nhiên, diện tích lớn nên việc cải tạo đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, cần phương tiện cơ giới và nhân công khá lớn mới hoàn thành.
Tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương ra quân cải tạo đồng ruộng, từ nay đến giữa tháng 12 nhằm kịp thời gieo cấy vụ đông xuân. Trường hợp lớp cát, phù sa vùi lấp dưới 20 cm thì có thể san phẳng, cày bừa kỹ đất để trồng lúa nước. Trường hợp vùi lấp từ 20 đến 50 cm thì chuyển lớp bùn đất ra khỏi ruộng rồi khử độc và cải tạo đất để tiếp tục trồng lúa. Diện tích còn lại sẽ được dọn sạch lớp bề mặt, kết hợp khử độc và cải tạo để chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.