Cầm lọ kem màu trắng nắp đỏ không có nhãn mác, chỉ in dòng chữ "Kem làm trắng da, xóa tàn nhang, thâm nám", chị Nguyên ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết mua hàng ở một chợ gần nhà với giá 45.000 đồng. "Sinh đứa con thứ hai, da mặt nám sạm làm tôi mất tự tin. Nghe mách dưỡng kem này da mau trắng mà hết nám nên tôi mua dùng thử, không ngờ bị dị ứng", bà mẹ một con nói.
Anh Hùng là công nhân ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cũng thường mua mỹ phẩm trị mụn "nhanh và rẻ" bởi không tự tin với làn da mặt chi chít mụn. Gần một năm sử dụng kem trộn do bà chủ ở một tiệm tạp hóa gần nhà "bào chế", anh Hùng thấy làn da sáng hẳn, mụn cũng bớt nhiều. Điều khiến anh lo lắng là làn da trông có vẻ mỏng hơn, dễ bắt nắng và gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều đám mụn li ti dưới da. Anh đến phòng khám da liễu nhờ bác sĩ tư vấn.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng khám Da liễu, Cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám da liễu vì dị ứng mỹ phẩm gần đây tăng nhanh. Bệnh cảnh chung của những bệnh nhân này thường là sau một thời gian sử dụng mỹ phẩm, da bị phát ban mụn trứng cá, ửng đỏ, kích ứng dị ứng, giãn mao mạch, sạm nám da. Trường hợp nhẹ có thể khắc phục sớm được nhưng có một số bệnh nhân da bị tổn thương quá nặng phải điều trị rất lâu.
Theo bác sĩ, bệnh viêm da do dị ứng mỹ phẩm có 2 trường hợp. Một là người có cơ địa dị ứng, dễ bị kích ứng kể cả với mỹ phẩm tốt, song các trường hợp này rất ít. Nguyên nhân thứ hai là bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc có rất nhiều hóa chất gây phản ứng kích ứng rất mạnh, đặc biệt là corticoid. Các trường hợp này ngày càng phổ biến.
Corticoid là chất kháng viêm cực mạnh, được sử dụng hạn chế trong điều trị các bệnh lý da như viêm da dầu, viêm da tiếp xúc, tổ đỉa, ban đỏ, vảy nến. Chính nhờ tác dụng bào mỏng da, làm giãn mao mạch, gây teo da nên khi sử dụng chất này thời gian đầu sẽ thấy da trắng hồng rất đẹp, giảm hẳn mụn. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân sẽ bị teo da, vùng da mỏng như mặt thường bị teo da nhanh nhất. Các dấu hiệu thường gặp là rối loạn sắc tố da, rậm lông, nổi mụn trứng cá, viêm da nặng...
Theo bà Diệp, nắm bắt được tâm lý của người Việt Nam thích da trắng nên hiện nay không ít cơ sở mỹ phẩm cho ra nhiều sản phẩm được quảng cáo là làm trắng da cấp tốc, song thực tế khó biết thành phần hóa chất độc hại trong loại hàng này. Các loại kem nhái, kém chất lượng, không ghi rõ thành phần, không ghi nguồn gốc xuất xứ được bày bán phổ biến tại các sạp, chợ, trên mạng, chửa hàng... Trên bao bì quảng cáo rất bắt mắt nhưng thực chất là hàng giả.
6 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng, lập biên bản 121 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm ngoại nhập lậu. Cơ quan chức năng tịch thu 58.524 sản phẩm, trong đó có các mặt hàng kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm, son môi, dầu gội xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp. Nhiều cửa hàng bị lập biên bản vì kinh doanh mỹ phẩm ngoại nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, ghi thiếu nội dung bắt buộc, in mã vạch, số công bố sản phẩm không có thật. |
Thi Ngoan