Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 10/11/2021, 11:48 (GMT+7)

Rừng tự nhiên đầu tiên được cấp chứng chỉ quốc tế

Quảng TrịRừng thôn Chênh Vênh do người dân tự nguyện bảo vệ, là cánh rừng tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế.

Từ năm 2017, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, được giao quản lý, bảo vệ cánh rừng tự nhiên 676 ha nằm liền kề với thôn, kéo dài lên đỉnh đèo Sa Mù, có đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua.

Thôn thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng, gồm 5 người, ban giám sát 3 người và 7 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ 5 người. Trong đó, có một tổ gồm 5 nữ. Tất cả thành viên là người dân tộc thiểu số Vân Kiều.

Một đám cây non mọc lên sau mưa trong cánh rừng nguyên sinh. Rừng còn rất nhiều cây gỗ quý như dổi, lội, sao cát, lâm sản ngoài gỗ có tre, mây và các loài khỉ, voọc, gà lôi, hươu nai, lợn rừng, rùa...

Theo quy định, người dân chỉ được khai thác lâm sản ngoài gỗ như mây tre, còn gỗ hoàn toàn không được xâm phạm.

Anh Hồ Văn Nhân, 28 tuổi, đang ngửi một dây gai cóc. Anh Nhân cho biết trong rừng có nhiều loại thảo dược quý được người dân địa phương lấy về chữa bệnh thông thường. "Dây gai cóc có thể chữa được đau dạ dày. Các bài thuốc này là do ông cha truyền lại", anh Nhân nói.

Một số loài cây được bà con hay lấy về sử dụng là quế, lá vằng, cỏ máu... Trong rừng còn có một loài cây dùng như kem đánh răng, giúp sạch miệng và đỏ môi, tuy nhiên ngày nay bà con ít sử dụng.

Dưới tán rừng có rất nhiều cây dong. Mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, người dân thôn Chênh Vênh vào rừng hái là dong đưa ra phiên chợ huyện bán.

Ngoài ra, cây dong cao đến 2 m, thân thẳng, cứng, đặc ruột, vỏ màu xanh nên người dân khai thác thân để đan lát, làm vật dụng sử dụng hàng ngày trong gia đình.

Hiện, thôn Chênh Vênh nhận hỗ trợ từ Liên minh châu Âu, Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV) để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Tổ chức này đã giúp cánh rừng thôn Chênh Vênh được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đây là cánh rừng tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế.

Ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cho hay từ khi ông sinh ra thì cánh rừng đã có và được dân làng coi là rừng thiêng, rất quý trọng, không dám xâm hại.

"Thời chiến tranh, trong rừng có cả voi, bò tót. Sau này, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua, giao thương phát triển nên thú quý di tản dần sang Lào", ông Chiến nói.

Một cây gỗ đường kính đến 1,5 m, cao 20-30 m.

Mỗi tháng, thôn Chênh Vênh tổ chức 3-4 lần đi tuần tra rừng, mỗi chuyến 5 người. Từ sáng sớm, các tổ mang theo nước uống, dụng cụ đi tuần tra. "Số lượng người tùy theo khu vực đi tuần, nơi nào có điểm nóng, nghi ngờ bị phá hoại thì chúng tôi đi thường xuyên với số người đông hơn. Khi phát hiện cây rừng bị hạ hoặc có dấu hiệu lạ, tổ sẽ báo với chính quyền địa phương để xử lý", ông Chiến nói.

Một gốc cây to nằm sát bờ suối. Cộng đồng thôn Chênh Vênh đang quản lý, bảo vệ rừng trên tinh thần tự nguyện, hoàn toàn không có kinh phí. "Bảo vệ rừng để tạo nguồn sản phẩm ngoài gỗ như tre, măng, mây nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Rừng giữ nguồn nước, sinh thái để người dân làm ruộng lúa, an toàn trong mưa bão", ông Chiến nói.

MCNV đang hỗ trợ người dân thực hiện dự án du lịch tại thác Chênh Vênh. Đầu nguồn thác nước từ rừng Chênh Vênh. Việc khai thác du lịch giúp người dân cải thiện thu nhập và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thôn Chênh Vênh có 20 ha ruộng lúa nằm dưới các sườn đồi. Rừng giữ nước giúp dân bản có đủ nước làm ruộng lúa 2 vụ mỗi năm mà không cần xây dựng hệ thống thủy lợi. Nhờ đó, bà con no đủ quanh năm.

Chứng chỉ rừng bền vững FSC được cấp cho cây tre dưới tán rừng Chênh Vênh. Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng văn phòng Quảng Trị tổ chức MCNV, cho biết tre nguyên liệu có chứng chỉ FSC sẽ có giá bán cao hơn so với tre thông thường.

"Chúng tôi đang tiếp cận với một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm FSC để chào bán nguyên liệu tre. Cộng đồng bảo vệ rừng được phép khai thác khối lượng nhất định hàng năm để tăng thu nhập, giúp khuyến khích việc bảo vệ rừng bền vững", ông Đại cho hay.

Ngoài ra, tổ chức này cũng hướng đến giúp cánh rừng này đạt chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái, để có thể bán tín chỉ carbon, hoặc thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ doanh nghiệp du lịch.

Thôn giữ 700ha rừng quý
 
 

Người dân thôn Chênh Vênh tuần tra bảo vệ rừng. Video: Hoàng Táo

Hoàng Táo