TS.BS Ngô Chí Hiếu, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết rung nhĩ, hay còn gọi là rung tâm nhĩ, gây ra tình trạng các cơ ở tâm nhĩ co bóp nhanh và không đều, khiến cho toàn bộ tâm nhĩ không co bóp bình thường, hiệu quả. Khi xảy ra rối loạn rung tâm nhĩ, các cơ trong tim rung lên thay vì co bóp lại như bình thường.
Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ, tăng gấp 3 lần nguy cơ suy tim cũng như tử vong. Người bị rung nhĩ thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện rõ rệt, có thể tình cờ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ.
Một số người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như: đánh trống ngực khó chịu hoặc nhịp tim không đều; khó chịu ở ngực nhẹ (cảm giác tức ngực) hoặc đau, cảm giác tim đập rộn ràng; choáng váng; khó thở nhẹ và mệt mỏi, đặc biệt khi tập thể dục.
Một số người xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, khó thở khi tập thể dục hoặc gắng sức, ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu do lưu lượng máu lên não giảm, đau ngực, mệt mỏi trầm trọng.
Rung nhĩ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như dòng máu qua tâm nhĩ không thông suốt, máu bị ứ trệ, gây ra các cục máu đông. Theo thời gian, các cục máu đông này sẽ to ra và theo dòng máu đi đến các nơi gây tắc mạch hoặc đột quỵ. Các kích thích liên tục từ cơ tâm nhĩ khiến nhịp tim tăng cao, gây suy tim.
"Với các biểu hiện như trên, bệnh nhân rất dễ nhầm với triệu chứng của bệnh lý khác. Vì vậy, mọi người có thể chủ động tầm soát bệnh rung nhĩ qua khám sức khỏe định kỳ", TS.BS Alain Patrice Lebon, khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, nói và thêm rằng hiện nay với trang thiết bị hiện đại, chuyên gia có thể phát hiện rung nhĩ cho bệnh nhân chỉ với một lần đọc kết quả điện tâm đồ.
Trên kết quả điện tâm đồ sẽ có sóng khử cực của tâm nhĩ là sóng P. Với bệnh nhân rung nhĩ sẽ mất sóng P mà thay vào đó là những sóng nhỏ lăn tăn giữa các nhịp đập của tâm thất, nhịp đó có thể lên rất cao.
Bệnh nhân sau khi phát hiện rung nhĩ sẽ được đưa ra lộ trình điều trị với 2 phương pháp chính, đó là: liệu pháp kiểm soát nhịp, liệu pháp chuyển đổi nhịp tim bằng thủ thuật/phẫu thuật.
Việc điều trị rung nhĩ tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, các triệu chứng người bệnh gặp phải cũng như nguyên nhân. Mục đích điều trị nhằm kiểm soát nhịp đập của tim; chuyển về nhịp tim bình thường; ngăn ngừa cục máu đông - căn nguyên dẫn đến đột quỵ.
Cùng với việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần duy trì những thói quen lành mạnh. Cụ thể, cần tăng cường các loại thực phẩm có lợi cho tim mạch, thường xuyên tập thể dục, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, ngủ đủ giấc, duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
Bác sĩ khuyến cáo rung nhĩ là một bệnh lý nguy hiểm và rất khó phát hiện nếu không qua tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều bệnh nhân bị rung nhĩ nhiều năm nhưng không phát hiện kịp thời, chỉ đến khi bị tai biến mạch máu não mới được chẩn đoán bệnh. Người bệnh bị biến chứng và di chứng do rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao hơn thông thường.
Vì vậy, khi thấy tim đập nhanh và không đều, hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên thăm khám tại bệnh viện và các cơ sở y tế chuyên khoa, để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm.
Lê Nga