Trong một thập kỷ qua, lưu vực sông Amazon của Brazil đã thải vào khí quyển 16,6 tỷ tấn CO2, cao hơn gần 20% so với lượng hấp thụ là 13,9 tỷ tấn, theo một báo cáo mới xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change hôm 29/4.
Nghiên cứu đã xem xét lượng CO2 mà cây rừng hấp thụ khi phát triển, so với lượng thải trở lại bầu khí quyển khi nó bị thiêu rụi hoặc phá hủy.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta có số liệu cho thấy khu vực Amazon của Brazil đã đảo lộn. Nó hiện phát thải carbon nhiều hơn lượng hấp thụ, hay nói cách khác là nơi phát thải ròng", tác giả chính của nghiên cứu Jean-Pierre Wigneron, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp (INRA) nhấn mạnh.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự mất rừng ở Amazon - do hỏa hoạn và chặt phá trái phép - đã tăng gần 4 lần vào năm 2019 so với một trong hai năm trước đó, từ khoảng một triệu ha lên 3,9 triệu ha, tương đương diện tích của Hà Lan. Việc áp dụng các chính sách bảo tồn rừng của Brazil đã sụt giảm mạnh kể từ khi tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố nhậm chức vào ngày 1/1/2019.
Lưu vực sông Amazon chứa khoảng một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới, có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn các loại rừng khác. Nếu khu vực này trở thành nguồn phát thải ròng thay vì "bể chứa" CO2, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ khó hơn nhiều.
Sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu vệ tinh mới được phát triển bởi Đại học Oklahoma của Mỹ, nhóm nghiên cứu cũng lần đầu tiên chỉ ra sự phát thải carbon do suy thoái rừng đang làm hành tinh nóng lên nhiều hơn so với nạn phá rừng trái phép.
Trong cùng khoảng thời gian 10 năm, sự suy thoái - gây ra bởi tình trạng phân mảnh, chặt phá có chọn lọc, hay hỏa hoạn - đã tạo ra lượng khí thải nhiều hơn gấp ba lần so với rừng bị chặt phá hoàn toàn.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Rừng Amazon có thể là nguồn lây virus corona tiếp theo
- Rừng Amazon ở Brazil bị chặt phá nhiều nhất trong 12 năm