Người Iran tập trung tại Quảng trường Valiasr ở trung tâm thủ đô Tehran để bày tỏ thương tiếc trước cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi hôm 20/5. Ảnh: AFP

Người Iran tập trung tại Quảng trường Valiasr ở trung tâm thủ đô Tehran để bày tỏ thương tiếc trước cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi hôm 20/5. Ảnh: AFP

Trong ngày Iran tìm thấy thi thể Tổng thống Raisi, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, lãnh đạo đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền nước này, kêu gọi đưa quân vào Lebanon nếu Hezbollah không rút khỏi biên giới. Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah nhiều tháng qua đã liên tục giao tranh quy mô nhỏ ở khu vực này.

Bạo lực cũng gia tăng trên Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn liên tục phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) vào tàu hàng đi qua, bất chấp liên minh do Mỹ dẫn đầu đã nhiều lần tập kích mục tiêu của nhóm này.

Căng thẳng chưa bao giờ dâng cao đến vậy khi Iran, dưới mệnh lệnh của Tổng thống Raisi và Lãnh tụ Tối cao Khamenei, phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào Israel nhằm đáp trả cuộc không kích vào lãnh sự quán ở Syria khiến hai tướng Iran và 5 sĩ quan thiệt mạng.

Israel, với trợ giúp từ Mỹ, Anh, Jordan cùng các nước khác, đã đánh chặn gần như toàn bộ tên lửa và UAV Iran. Đáp lại, Tel Aviv tiến hành cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar phòng không ở thành phố Isfahan, Iran, không gây thương vong nhưng gửi đi thông điệp răn đe cứng rắn.

Trong lúc cuộc đối đầu giữa hai đối thủ "không đội trời chung" tiếp tục căng thẳng, "luật chơi cũ đã không còn nữa nhưng các quy tắc mới lại chưa được thiết lập đầy đủ", Ali Vaez, giám đốc dự án Iran kiêm cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, trụ sở tại Brussels, Bỉ, nói.

Sự cố với Tổng thống Raisi đã làm tăng thêm "tính chất không chắc chắn cho sự mơ hồ vẫn tồn tại lâu nay giữa Iran và Israel, thúc đẩy nguy cơ tính toán sai lầm", Vaez nhận xét.

Vụ rơi trực thăng khiến Iran mất đi một chính trị gia cứng rắn và trung thành với Lãnh tụ Tối cao Khamenei, cùng với đó là Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, buộc Tehran phải có những thay đổi đáng kể trong thượng tầng lãnh đạo.

Phó tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber, 69 tuổi, trở thành quyền tổng thống trong lúc chờ bầu lãnh đạo mới, dự kiến vào tháng sau. Nội các Iran cũng bổ nhiệm Ali Bagheri Kani, trước đây là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu đất nước, làm tân Ngoại trưởng.

Khi các đồng minh và láng giềng của Iran gửi lời chia buồn hôm 20/5, lực lượng Hamas cũng cảm ơn Tehran vì đã hỗ trợ trong cuộc chiến với Israel.

Hamas cho biết Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã "thực hiện những nỗ lực chính trị và ngoại giao đáng kể nhằm ngăn chặn hành động gây hấn của Israel đối với người dân Palestine".

7 tháng qua, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn trên khắp Trung Đông đã liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công mà họ tuyên bố là nhằm trả thù Israel vì chiến dịch quân sự tại Gaza hay chống lại Mỹ, đồng minh quốc tế chính của Tel Aviv. Bạo lực đã dẫn đến những lo ngại về một cuộc xung đột khu vực dai dẳng, mặc dù Iran từng nhiều lần ra tín hiệu rằng họ đang cố gắng tránh kịch bản đó.

Mỗi cuộc tấn công và phản công đều có nguy cơ thổi bùng một cuộc xung đột lớn hơn. "Đó là một hỗn hợp dễ cháy có thể bị kích hoạt bởi những sự kiện bất ngờ, như vụ rơi trực thăng tại Iran", bình luận viên Joseph Krauss từ hãng thông tấn AP cho hay.

Nhiều người lo ngại rằng "các đối thủ trong khu vực của Iran có thể coi đây là cơ hội để vượt qua giới hạn", Vaez lưu ý.

Hamidreza Azizi, chuyên gia tại Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, nhận định mối lo ngại về nguy cơ bị tấn công vào thời điểm nhạy cảm này sẽ tạo ra tâm lý cảnh giác và đề phòng cao độ ở Iran, thậm chí dẫn tới những hành động cực đoan.

"Tâm lý hoang mang sẽ gia tăng ở trong nước", ông nói. "Sẽ có một khoảng thời gian mơ hồ cho đến khi tổng thống tiếp theo được chọn".

Vũ Hoàng (Theo AP, Washington Post, Reuters, AFP)