Năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hàng hóa đạt 119,6 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Thống kê. Các mặt hàng chủ lực sang đây gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học.
Kim ngạch sang nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu năm qua, ở mức 405,53 tỷ USD. Đến nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này.
Sang 2025, thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam khó đoán hơn, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức vào 20/1. Ông từng dọa tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico, Canada, phổ quát toàn cầu 10-20% và quan tâm nhiều đến việc Mỹ thâm hụt thương mại lớn với các đối tác.
Cho đến nay, một số chuyên gia duy trì lạc quan rằng Việt Nam ít có khả năng phải chịu một quyết định áp thuế riêng nhưng phải cảnh giác về thâm hụt với Mỹ.
"Ít có khả năng ông Trump áp thuế trực tiếp lên hàng Việt Nam, nhưng thâm hụt thương mại nhiều chỉ sau Trung Quốc và Mexico là điểm cần thận trọng", ông Kyle Freeman, Trưởng bộ phận tư vấn kinh doanh quốc tế công ty Dezan Shira & Associates dự báo tại hội thảo "Chính sách mới của Mỹ: Những tác động đến thương mại và đầu tư" diễn ra tại TP HCM sáng 8/1.
Đề ra 4 kịch bản chính sách thuế của ông Trump, ông Kyle Freeman cho rằng khả năng dễ xảy ra nhất là thuế lên hàng Trung Quốc, Mexico và Canada tăng. "Chúng ta vẫn có cơ hội hơn nữa để xuất khẩu thêm vào Mỹ", ông bình luận.
Còn theo 3 kịch bản của công ty chứng khoán VnDirect, xuất khẩu Việt Nam 2025 vẫn tăng được khoảng 8% nếu Mỹ tăng 60% thuế hàng Trung Quốc và phổ quát 10-20%. Tăng trưởng có thể cao hơn mức này nếu chỉ áp thuế 60% hàng Trung Quốc. Ngược lại sẽ thấp hơn 8% khi có thêm điều kiện thuế phổ quát và hàng Việt Nam bị áp thêm thuế riêng.
Trong phân tích phát hành tháng trước, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VnDirect cho rằng Việt Nam có thể tránh được chính sách thuế quan hà khắc. Tuy nhiên, nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại có thể tăng do thặng dư thương mại tương đối cao. Trong 11 tháng đầu 2024, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 95,4 tỷ USD, tăng 26,7%.
Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, ông Trump có thể thực hiện hoặc giảm mức độ các cam kết trong cương lĩnh tranh cử sau khi nhậm chức. Nhưng quan điểm chung của ông vẫn sẽ nhất quán, tức thúc đẩy đàm phán song phương và xây dựng đồng minh.
Trong bối cảnh khó lường, liệu hàng Việt có duy trì lợi thế hay bị áp thuế cao hơn vẫn cần cảnh giác. "Thâm hụt thương mại đang là rất cao và làm sao giải quyết vấn đề này là điều Việt Nam cần quan tâm", ông nói.
Vẫn có một số giải pháp để hạn chế rủi ro cho hàng Việt sang Mỹ năm nay, theo các chuyên gia. "Bán hàng qua Mỹ là việc vẫn làm nhưng cần có thêm chính sách kết hợp, để vừa bán hàng vừa tăng hợp tác đầu tư vào Mỹ, điều mà họ rất quan tâm", TS Huỳnh Thế Du khuyến nghị.
Đồng thời, trong nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần cẩn thận để tránh trở thành một điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ.
Ở điều hành vĩ mô, ông Du chỉ ra 3 áp lực khác mà giới chức cần quan tâm gồm: tỷ giá; thuộc "danh sách theo dõi" về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ và chưa được nước này công nhận là nền kinh tế thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) Bob Bauer khuyên Việt Nam cần tăng minh bạch về nguyên liệu. "Việt Nam cần khẳng định giá trị xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm của mình nhiều hơn nữa", ông nói. Theo chuyên gia này, doanh nghiệp nên tập trung vào những việc trong tầm kiểm soát của mình như chất lượng, an toàn thực phẩm, chi phí sản xuất và vận chuyển để duy trì tính cạnh tranh.
Không chỉ có thách thức, Việt Nam cũng có cơ hội giao thương mới, nhờ các chính sách điều hành khác của ông Trump. Trong diễn đàn tháng trước, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia chỉ ra kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp và tăng đầu tư hạ tầng, năng lượng, quân sự của ông Trump có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng tại Mỹ, làm tăng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ Việt Nam.
Ngoài ra, ý định nới lỏng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) cũng mở thêm lựa chọn nhập khẩu LNG của Việt Nam. Hay như việc giảm các quy định về xanh hóa cũng thuận lợi cho doanh nghiệp Việt có lộ trình đủ kịp để đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.
Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt Nam cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động của chính sách thương mại mới của chính quyền mới của Mỹ. Đến nay, không ai biết chính xác chính sách đó nói chung và thuế quan mới sẽ thế nào.
"Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên chuẩn bị và lên kế hoạch cho nhiều phương án khác nhau để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mỹ", ông nói.
Viễn Thông