Xung quanh việc tranh cãi vấn đề có nên cho con cái thừa kế tài sản, hay thừa kế sớm hay thừa kế muộn, tôi thấy đa phần các bạn chỉ dẫn ra một câu chuyện rồi xúm lại xem nó có đáng được đồng cảm hay không dựa trên cảm xúc, lợi ích cá nhân, chứ chưa thực sự nhìn nhận vấn đề ở góc độ khoa học.
Theo tôi, nên để lại tài sản cho con cái và nên để lại sớm chứ không phải sau khi mình đã ra đi. Nhưng có một điều quan trọng hơn mà mọi người bỏ qua đó là vấn đề giáo dục, nâng cao trình độ của con cái cho phù hợp để có thể vận hành, khai thác được tài sản một cách hiệu quả.
Tại sao phải để lại sớm? Của cải = đầu vào sản xuất + trình độ khai thác vận hành phù hợp. Trình độ khai thác vận hành chỉ đạt được tối đa thông qua giáo dục (nhà trường, môi trường nghề nghiệp...) ở độ tuổi lý tưởng để lao động.
Độ tuổi lý tưởng này ít nhất phải nằm trong độ tuổi lao động sung mãn nhất. Nếu ngoài độ tuổi, khi đã già thì việc thừa kế tài sản không có ý nghĩa vì trình độ đã bị đào thải. Thực tế rất nhiều, dù không phải tất cả, người già đang bị đào thải khỏi thị trường lao động.
Nếu thừa kế quá sớm khi trình độ khai thác vận hành còn kém cũng dễ tiêu tán tài sản.
Thứ nữa là không cho thừa kế tài sản vượt quá trình độ khai thác, vận hành quản lý. Trình độ tới đâu giao vốn tới đó. Các ngân hàng không hề duyệt cho vay dễ dàng mà phải biết được kế hoạch, dự định... đánh giá năng lực của người định vay vốn mới giao vốn. Do đó, ba mẹ cũng phải đánh giá được năng lực của con cái cho phù hợp.
Tiếp nữa là thừa kế nhiều lần, từng phần phù hợp với trình độ sẵn có của con cái. Thực ra những vấn đề này người khác đã gặp và giải quyết rồi.
Các tập đoàn lớn, gia đình trị lâu dài đều có quy tắc khi chọn người thừa kế và quy trình thừa kế rõ ràng. Nếu họ sai thì tập đoàn đó đã không tồn tại. Họ đúng thì tồn tại và chúng ta chỉ cần học họ. Ngoài việc đào tạo con cái nghiêm ngặt, thì họ còn thử thách, giao một phần tài sản, thử thách trước khi giao toàn bộ thừa kế. Họ cũng không chia đều cho con cái mà tùy vào năng lực để giao.
Không chỉ trong các tập đoàn kinh tế mà chính trị, xã hội luôn chú trọng quy trình thử thách, đào tạo lâu dài mới cho thừa kế.
Không đột ngột giao tài sản cho người chưa được thử thách về trình độ khai thác, vận hành.
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.