Tôi mới phải đến đứng bên cạnh hai đứa cháu, nhắc chúng vặn nhỏ vòi nước trong suốt quá trình rửa tay. Các con anh chị tôi ở thành phố Vĩnh Long vài tháng nay rất thuần thục trong việc "rửa tay thường xuyên" theo các khuyến cáo chống dịch. Nhưng có điều, hình như không ai nói cho bọn trẻ biết chỉ nên mở vòi nước vừa đủ để tránh lãng phí trong suốt "quy trình sáu bước" này. Không chỉ trên tivi mà trong các video do những người nổi tiếng thực hiện trên mạng, vòi nước sạch luôn xả hết cỡ.
Nhìn vòi nước chảy ồ ạt, tôi nhớ đến số phận những người nông dân. Hạnh – bạn tôi – có vườn sầu riêng đang cho trái ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. So với các loại cây ăn quả khác, sầu riêng là loại cây khó trồng. Chi phí đầu tư, chăm sóc từ lúc cây nhỏ đến khi có trái cũng tốn kém hơn. Tháng trước, để cứu vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi, gia đình cô phải thuê người khoan giếng tìm nước ngọt. Tổng chi phí cho việc khoan giếng hết 120 triệu Đồng. Hạnh phải vay mượn thêm vì "không còn cách nào khác, chỉ hy vọng tìm được nước ngọt để cầm cự, mong mùa mưa đến sớm".
Những người thợ phải làm việc liên tục trong 4 ngày với 3 lần đổi địa điểm. Khoan tới độ sâu 500 mét, họ mới chạm mạch nước ngầm sử dụng được. Khi những tia nước ngọt đầu tiên phun lên, đám đông từ chủ nhà, hàng xóm đến các thợ khoan hò reo, vui mừng y như lần cả xóm ăn mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup. Việc đầu tiên, ai cũng tranh thủ tắm rửa cho thỏa thích, bù lại cả tháng trước đó phải tắm bằng một thứ nước lờ lợ, mằn mặn.
Nhớ chuyện của Hạnh, tôi còn mở điện thoại cho các cháu xem cảnh người dân ở các tỉnh đang hạn hán xếp hàng để mua từng thùng nước ngọt. Tôi tin việc cháu tôi vẫn hay mở tối đa vòi nước để rửa tay không phải là hình ảnh cá biệt ở Việt Nam và không riêng với những ở đứa trẻ.
Điều này hoàn toàn tương phản với cách mà người Israel đã và đang làm để bảo vệ nguồn nước. Từ năm 1959, nhà nước Israel đã ban hành "Đạo luật về nước" nhằm kiểm soát tất cả mọi vấn đề liên quan đến nguồn nước và việc tiêu thụ nước của người dân. Việc này được giao cho "Ủy ban nước Israel" điều hành và quản lý trực tiếp. Đến năm 2006, họ thành lập "Cơ quan quản lý nước Israel" như sự kế tục "Ủy ban nước Israel" với phạm vi quyền lực rộng hơn nữa.
Chính phủ và nền giáo dục nước này luôn khuyến cáo người dân từ nhỏ đã biết tiết kiệm, trân trọng từng hạt nước bằng nhiều cách, trong sinh hoạt, văn hóa, tư duy. Với nguồn nước ngọt quốc gia, ngoài việc ứng công nghệ để khử mặn từ nước biển và nước ngầm, họ tái xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt đã qua sử dụng của dân chúng nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu trong nông nghiệp bằng công nghệ tưới nhỏ giọt. Văn hóa nước và công nghệ nước đã góp phần giúp Israel không những có nền nông nghiệp công nghệ cao mà còn dư thừa nguồn nước để xuất khẩu.
Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta đang trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt. Vấn nạn này được dự báo từ lâu. Theo các nhà khoa học, nó là hệ quả của biến đổi khí hậu cùng hàng loạt các con đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong, nhiều nhất tại Trung Quốc. Cả hai nguyên nhân này, Việt Nam khó mà thay đổi trong sớm chiều. Chính vì vậy, để có thể giúp Đồng bằng và bảo vệ chính cuộc sống của mỗi người, đã đến lúc thay đổi nhận thức về lối sống.
Đồng bằng sông Cửu Long như món quà quý giá mà tạo hóa đã ban cho người Việt. Nhưng chúng ta đã không trân trọng giữ gìn mà còn tiêu xài rất hoang phí, thậm chí là xâm hại nó. Hậu quả là giờ đây Đồng bằng đang đứng trước nguy cơ tan rã, chưa kịp phát triển đã lụi tàn. Và người dân nơi đây đương nhiên phải gánh chịu trước nhất. Câu nói cửa miệng "Đi Bình Dương bán nước tương" đang trở nên phổ biến.
Còn nhớ năm 2016, khi hạn mặn ở Đồng bằng đạt mức cao kỷ lục, nhiều người đã lên tiếng về giải pháp. Nhưng năm nay, kỷ lục đã bị xô ngã, các giải pháp liên quan nhìn chung vẫn nằm trên giấy và chưa đâu vào đâu. Tôi cố gắng đi tìm giải thích cho chuyện này và phát hiện ra: hóa ra, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long theo chu kỳ của hai mùa mưa, nắng và cách tư duy của đa phần chúng ta cũng theo mùa. Vài tháng nữa, mùa mưa lại tới, người ta cũng theo đó mà quên ngay chuyện hạn mặn để rồi theo chu kỳ năm sau sẽ ồn ào trở lại. Không phải Hạnh khi khoan giếng cứu vườn sầu riêng đã nói "ráng cầm cự chờ tới mùa mưa" là gì?
Nhưng việc sống chung với hạn mặn càng ngày càng khó khăn hơn nhiều. Không phải người dân nào cũng đủ khả năng bỏ ra 120 triệu Đồng để khoan giếng tìm nước ngọt cứu vườn cây như bạn tôi. Ngoài ra, việc dân tự ý khoan giếng tìm nước ngầm cũng gây thêm sụt lún, biến dạng mặt đất. Thế nên, để "phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu" như Nghị quyết 120 của Chính phủ, việc thay đổi tư duy và nhận thức về bảo vệ nguồn nước ngọt trong một tầm nhìn dài hạn theo tôi đến lúc được luật hóa.
Tôi hy vọng trên bình diện quốc gia, Việt Nam sẽ có bước đi căn cơ và cụ thể để đối xử tốt hơn với nguồn nước. Trong đó, thay đổi ý thức giữ gìn và tiết kiệm nước ngọt từ mỗi người giống như cách người Israel đã làm là ưu tiên, trước khi bàn sang các giải pháp vĩ mô và tốn kém khác.
Nguyễn Trọng Bình