![]() |
Ứng cử viên tổng thống Pháp Segolene Royal. Ảnh: AFP. |
Cuộc thăm dò trên tờ Le Parisien cho thấy 57% những người được hỏi cho rằng đối thủ vào điện Elysée của bà – Nicolas Sarkozy – tiến hành một chiến dịch tranh cử vững vàng hơn. Ông cũng được coi là người có những ý tưởng hay và mới mẻ hơn. Một cuộc thăm dò khác của IFOP cho thấy 77% dân chúng nghĩ rằng ông Sarkozy có một khởi đầu thành công trong chiến dịch tranh cử, trong khi chỉ có 57% nghĩ như vậy về bà Royal.
Đa số các cử tri tin rằng bà hiểu những nỗi lo lắng của những người dân bình thường hơn Sarkozy. Vậy vì sao chỉ còn vài tháng trước khi bầu cử, ứng cử viên của đảng Xã hội lại tụt hạng như vậy?
Nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp, bà không muốn làm mất lòng hàng triệu cử tri thuộc tầng lớp trung lưu. Vậy mà bạn trai của bà kiêm lãnh đạo đảng Xã hội Francois Hollande lại hứa tăng thuế để lấy lòng những nhân vật cánh tả nhiều đòi hỏi.
Tranh chấp giữa hai người (hai ông bà có 4 đứa con) trở thành chuyện vạch áo cho người xem lưng khi phát ngôn viên của Royal gọi ông Hollande là “khiếm khuyến duy nhất trong chiến dịch tranh cử của bà”. Sau đó phát ngôn viên bị đình chỉ công việc một tháng. Điều này tạo ấn tượng rối ren về chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên đa số những rắc rối của bà xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm trên trường quốc tế. Hồi tháng 12, khi bà gặp một nghị sĩ Hezbollah trong chuyến thăm Libăng, mặt bà không đổi sắc khi ông này công kích cái gọi là “chủ nghĩa phát xít” thời hiện đại ở Israel và cáo buộc chính quyền Bush là “bị mất trí vô giới hạn”. Thậm chí Royal còn tuyên bố bà đồng tình với nhiều nhận định của vị này, “nhất là phân tích của ông về nước Mỹ”.
Cho dù ở Pháp có một số người đồng ý với những bình luận trên, Royal đã tiếp đạn cho những kẻ đối địch, cho rằng bà không phải là một nhà ngoại giao bẩm sinh và có quá ít kinh nghiệm đối ngoại để lãnh đạo nước Pháp. Quan điểm này càng được củng cố hồi tuần trước khi bà kêu gọi độc lập cho vùng Quebec (Canada), nơi có đa số dân chúng nói tiếng Pháp, khiến cho Thủ tướng Canada phải lên tiếng trách cứ nữ ứng cử viên tổng thống nặng lời.
Một diễn viên hài sau đó còn làm cho tình hình tồi tệ hơn khi đóng vai thủ hiến Quebec và gọi điện thoại cho Royal. Trong cuộc trò chuyện được ghi âm, nhân vật này đã gài bẫy để bà bình luận rằng một số người Pháp cũng sẵn sàng tán thành độc lập cho đảo Corsica.
Người đứng đầu nghị viện Corsica nhận xét rằng mặc dù bình luận của bà chỉ là lời nói đùa, nó không buồn cười chút nào. Đối thủ của Royal – Bộ trưởng Nội vụ Nicholas Sarkozy – còn bồi thêm: “Đối với tôi, Corsica không phải là chuyện đùa, nó thuộc về Cộng hòa Pháp".
Những chuyện lỡ lời này đã tác động tiêu cực đến cách nhìn nhận của dân chúng đối với bà Royal, tạo ấn tượng rằng chiến dịch tranh cử và các chính sách của bà vẫn chưa rõ ràng và quy củ. Tuy đây vẫn chưa phải là những sai lầm chí mạng, nếu những chuyện như vậy còn tiếp diễn, người ta sẽ cho rằng bà không phải là một ứng cử viên nghiêm túc.
M.C. (theo BBC)