Thông tin trên được Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm báo cáo hôm 26/4, về vụ ngộ độc tại cơ sở bán rong trước cổng trường ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, làm nhiều học sinh và người dân nhập viện hôm 9/4.
Kết quả xét nghiệm mẫu nguyên liệu thực phẩm cho thấy mẫu rong biển cơm cuộn nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus và chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin; các mẫu nguyên liệu còn lại như củ cải, xúc xích, rong biển cơm nắm, tương ớt,... và mẫu bàn tay người chế biến thức ăn đều không phát hiện vi khuẩn.
Ngoài ra, 7/9 mẫu bệnh phẩm (phân, chất nôn) của người ngộ độc được lấy tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus. Ngành y tế phát hiện hơn 75% ca có thời gian ủ bệnh từ 1-6 giờ; bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột và tiêu hóa, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn.
Staphylococcus aureus là vi khuẩn tụ cầu vàng, có thời gian ủ bệnh từ 1-6 giờ, thường gây ra triệu chứng tiêu chảy nhiều lần và nôn. Bệnh diễn biến nhanh và 1-2 ngày bệnh nhân sẽ bình phục.
Trước đó, chiều 9/4, 74 người bị ngộ độc sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn bán hàng rong ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Trong đó có 29 ca phải nhập viện, còn lại là các ca điều tra ngoài cộng đồng. Hơn một nửa các trường hợp ngộ độc là học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở ở thị trấn Tô Hạp.
Cơ quan chức năng ghi nhận các em ngộ độc do ăn cơm nắm và cơm cuộn của bà Bùi Thị Lương bán hàng rong trước trường. Qua điều tra, hôm đó bà Lương chế biến 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn.
Nguyên liệu gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt xào, dưa leo bào sợi, củ cải muối chua cắt sợi. Nước chấm là tương ớt, tương cà, sốt mayonnaise, dầu mè. Các thực phẩm được bà mua ở tiệm tạp hóa, chợ, còn rong biển là gói ghi chữ Hàn Quốc mua trên Facebook, hầu hết không có hóa đơn chứng từ.
Bà Lương cho hay món ăn được bà và chồng chế biến hàng ngày, bán rong ở trước trường THCS Tô Hạp. Từ lúc bắt đầu bán hàng rong đến nay, hai vợ chồng chưa bao giờ khám sức khỏe, chưa tham gia lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Người phụ nữ này chế biến thức ăn ở khu bếp trong nhà, tách biệt với khu vệ sinh và không ở gần nguồn ô nhiễm môi trường. Mọi thực phẩm được bảo quản bằng tủ lạnh và sơ chế bằng nước máy. Nguồn rác thải được thu gom sạch sẽ.
Tại thời điểm điều tra, cơ sở của bà Lương không còn lưu mẫu thức ăn đã chế biến nên đội điều tra không thể xác định cụ thể thức ăn gây ngộ độc mà chỉ có thể nhận định nguyên nhân ngộ độc là từ cơm nắm và cơm cuộn.
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở gây ngộ độc; đồng thời kiến nghị sở ngành liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát các các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn, kiểm tra và xử lý nghiêm những nơi sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Đây là một trong nhiều vụ ngộ độc tại Khánh Hòa trong hơn một tháng qua. Cuối tháng 3, 12 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị ngộ độc do ăn cơm, mì nui gà song không thể xác định cụ thể món gây độc, tác nhân gây ngộ độc nghi do vi sinh vật.
Đầu tháng 4, 37 học sinh ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, ngộ độc sau khi ăn sáng với cơm gà, sushi, đồ ăn nhanh... Nguyên nhân gây ngộ độc đến nay chưa được xác định. Một học sinh nữ tử vong, cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân, nhưng đại diện Sở Y tế khẳng định "không do ngộ độc".
Tháng 3, 369 người bị ngộ độc do ăn tại quán cơm gà Trâm Anh vì nhiễmkhuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus... Cơ quan chức năng cũng chưa xác định loại thực phẩm nào gây ngộ độc.
Bùi Toàn