Chuyện cứ như mới diễn ra hôm qua. Tôi tỉnh dậy trong phòng khách sạn và thấy rất nhiều người xung quanh: các đồng đội lẫn bác sĩ Lidio Toledo. Chẳng ai nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra và vì sao tôi lại nằm đây. Thế là tôi đuổi tất cả ra ngoài. Tôi muốn vỗ lại giấc ngủ.
Nhưng bác sĩ không để tôi ngủ, nên tôi đành đi bộ xuyên qua những khu vườn khách sạn. Ông bảo tôi đã “đứt nguồn” trong hai phút, tình huống có vẻ nghiêm trọng nên tôi sẽ không thể đá trận chung kết với Pháp tối hôm đó. Tôi đời nào chấp nhận việc ấy. Tôi có bổn phận với quốc gia mình, đâu thể để đồng bào thất vọng. Tôi nghĩ mình vẫn có thể chiến được. Nên tôi nói với Toledo: "Ông phải để tôi đá trận chung kết".
Ngay giờ phút này, dù đã 18 năm trôi qua, tôi vẫn không dám xem lại những hình ảnh từ trận chung kết Cup Italy lượt đi với Lazio năm 2000. Mỗi lần pha bóng ấy được chiếu lại trên truyền hình, tôi lập tức quay mặt đi. Nhìn lại những hình ảnh đó, tôi cảm giác như cơn đau ngày ấy lại ập đến.
Thật buồn cười khi khoảnh khắc ấy lại giúp tôi trưởng thành hơn bất kỳ một biến cố nào khác. Bởi vì sau chấn thương ấy, tôi đã hạ quyết tâm phải trở lại sân cỏ với bất kỳ giá nào. Trận đấu với Lazio là màn tái xuất của tôi sau nửa năm hồi phục chấn thương. Vậy mà điều tồi tệ nhất lại diễn ra: tôi… tiếp tục chấn thương. Tháng 4/2000, tôi buộc phải trở lại bàn mổ, với một ca phẫu thuật phức tạp hơn và một thời gian hồi phục dài hơn. Nghe tin ấy, tôi thấy như đất trời sụp đổ.
World Cup ở Hàn Quốc và Nhật Bản còn hai năm nữa, nhưng nó là điều duy nhất trong đầu tôi lúc đó. Vì đột nhiên tôi cảm thấy sợ mình sẽ không kịp hồi phục cho giải đấu này. Không một bác sĩ nào dám đảm bảo tôi có thể đá bóng trở lại, nói chi là trở lại trong vòng hai năm. Chấn thương ấy quá phức tạp, lại chưa từng có tiền lệ.
Điều đó có nghĩa: những gì tôi có thể làm là… kiên nhẫn. Không đặt ra bất kỳ một thời hạn nào, và tuyệt đối không hấp tấp. Phải tuân thủ phác đồ điều trị và phải chấp nhận tốn thời gian, thậm chí là rất nhiều thời gian.
Cuối cùng, tôi cũng có thể tập thể lực trở lại. Suốt tám tháng đầu sau khi phẫu thuật, đầu gối tôi thậm chí còn không gập được 90 độ. Thế thì còn tập tành gì. Tám tháng ấy là thời gian kinh khủng nhất đời tôi. Tôi bị sốc và gần như trầm cảm. Nhưng điều duy nhất tôi có thể làm lúc đó là tiếp tục điều trị và cầu nguyện.
Vâng, ý nghĩ bỏ cuộc chưa bao giờ xuất hiện. Bởi tôi biết nếu không dốc hết tất cả những gì mình có, tôi sẽ không thể chơi bóng đá được nữa. Đấy là điều kinh khủng nhất. Tôi không đời nào chấp nhận phải giải nghệ sớm, tôi phải được chạm bóng trở lại, thi đấu trở lại, ghi bàn trở lại. Cho nên dù đau đớn cách mấy, tôi cũng không cho phép mình nghĩ đến chuyện từ bỏ.
Tám tháng sau khi mổ, tôi quyết định sẽ nghe ý kiến từ vấn từ các bác sĩ trên toàn thế giới. Liệu có ai đó có thể giải thích vì sao gối tôi không chịu gập lại hay không. Tôi bay sang Mỹ, một chuyên gia đầu ngành bảo tôi hãy từ bỏ ý định trở lại sân cỏ đi. Điều tốt nhất cho tôi bây giờ, theo ý kiến ông ấy, là lên bàn mổ lần nữa để giúp khớp gối hoạt động bình thường trở lại.
Tôi đã không tin chuyên gia ấy. Tôi chưa từng nghi ngờ khát vọng trở lại của mình, nhưng tôi nghi ngờ khoa học. Tôi không phải bác sĩ, cũng chẳng phải nhà vật lý trị liệu. Tôi chưa từng nghiên cứu những thứ phức tạp như giải phẫu cơ thể người. Nhưng tôi đã cố nghiên cứu và đọc thật nhiều về những chấn thương của mình. Và dường như tất cả đều chỉ ra: chỉ có điều kỳ diệu mới giúp tôi thi đấu trở lại. Nhưng tôi vẫn nghĩ: sẽ có phần thưởng cho những ai không bỏ cuộc. Nên tôi lại lao vào tập luyện.
Đã có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt về tôi trong thời gian ấy, hoàn toàn không dựa trên bất kỳ một thông tin y tế hay luận chứng khoa học nào. Ca chấn thương của tôi quá lạ, và tôi phải cầu viện đến không biết bao nhiêu bác sĩ, từ Brazil ra đến thế giới. Một vị còn nói tôi khó mà đi bộ bình thường được, nói gì đến chạy. Đấy là thời gian đầy hy sinh và cực nhọc.
Nhưng rốt cục, tôi cũng dần cảm nhận sự tiến bộ. World Cup thì ngày một gần hơn, và tôi không dám mơ đến việc sẽ giành Cup vàng. Được đến dự giải thôi đã là thành tựu rồi. Tôi ám ảnh bởi việc phải được góp mặt. Tôi luôn mê mẩn những VCK World Cup, vì đấy là sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh. Đấy còn là những ngày hội văn hóa độc nhất vô nhị.
Tất cả nhân vật từng giành World Cup cho Brazil đều là những người hùng của tôi: Pele và những đồng đội tại Thụy Điển 1958, Garrincha của 1962, Rivelino, Gerson và Tostao của 1970, Romario và Bebeto của 1994.
Thật may sao, World Cup càng cận kề thì đầu gối của tôi lại ngày càng tốt hơn. Từng chút một, tôi đã có thể tập lại những bài tập thể lực và cơ bắp. Tương lai vẫn mờ mịt, và tôi chưa dám nghĩ là mình đủ thể lực để đến World Cup. Sau tất cả, làm sao HLV Luiz Felipe Scolari dám triệu tập một cầu thủ chẳng có thực tiễn thi đấu gì suốt một thời gian dài?
Nhưng rốt cục, sau hai năm vật vã, tôi cũng đã chạm bóng trở lại. Tôi bắt đầu ra sân trong màu áo Inter. Tháng 3/2002, "Big Phil" - biệt danh của Scolari - triệu tập tôi vào danh sách đá trận giao hữu trên sân nhà với Nam Tư. Trận đấu diễn ra tại Fortaleza, và tôi chỉ đá 45 phút, trận đầu tiên của tôi cho Selecao sau gần ba năm. Nhưng chừng ấy vẫn đủ để Bil Phil mang tôi đến World Cup. Tôi đã hạnh phúc tột cùng khi được gọi, vì điều duy nhất khiến tôi không gã gục là tình yêu với bóng đá. Ca chấn thương quả thực đã giúp tôi trưởng thành hơn.
Tôi nợ "Big Phil" thật nhiều, vì ông ấy hoàn toàn có thể chọn phương án dễ dàng hơn là gọi một tiền đạo khác có phong độ tốt hơn. Nhưng ông đã đặt niềm tin vào tôi. Và tôi đã nói với ông ấy là mình sẽ làm bất cứ điều gì để có thể xuất phát trong đội hình chính.
Đối thủ đầu tiên tại giải năm ấy là Thổ Nhĩ Kỳ, một trận rất có ý nghĩa với tôi trong việc lấy lại sự tự tin đã mất. Mọi chuyện không suôn sẻ mấy vì Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ vươn lên dẫn trước vào cuối hiệp một. Áp lực bắt đầu tăng lên. Nhưng chỉ năm phút sau giờ nghỉ, Rivaldo nhận bóng ở cánh trái và tạt vào. Tôi biết cơ hội duy nhất để ghi bàn là phải tung mình lên không. Và tôi đã làm thế. Một pha tung người giúp tôi chạm bóng và ghi bàn gỡ hòa. Đấy chắc chắn không phải là bàn đẹp nhất trong sự nghiệp, nhưng không quan trọng. Bàn thắng là bàn thắng, huống chi lại là bàn thắng cho đội tuyển quốc gia ở World Cup.
Suốt trận đấu ấy, tôi không cảm thấy đau, nhưng hôm sau thì nếm mùi đau khổ. Suốt một thời gian dài tôi không đá trọn vẹn trận nào. Nhưng sự tự tin thì đã trở lại. Thổ Nhĩ Kỳ là một đội bóng đầy thể lực và đá rất rát. Nhưng tôi đã sống sót qua cuộc chiến đầu tiên. Sau đó, chúng tôi tái ngộ người Thổ ở bán kết, sau khi tôi đã ghi thêm những bàn thắng vào lưới Trung Quốc, Costa Rica và Bỉ.
Cũng như khi gặp ở vòng bảng, chúng tôi khởi đầu trận đấu rất chậm chạp. Nói thẳng ra: chúng tôi đá không tốt chút nào. Tôi có một vết đau cơ ở đùi phải, và đấy là lý do tôi ghi bàn thắng ấn định tỷ số với một cú chích mũi giày. Đau quá, tôi đâu nhấc chân lên nổi để sút một quả có lực. Nhưng khi chích mũi thì lực sẽ đến từ hông, cơ đùi sẽ được thả lỏng một chút.
Đấy là một kỹ thuật futsal mà tôi vẫn dùng suốt thời thơ ấu. Thỉnh thoảng tôi vẫn sử dụng những mánh khóe thuở bé vào sự nghiệp chuyên nghiệp, nhưng cú chích mũi giày ấy có lẽ là nổi tiếng nhất, có lẽ vì nó được thực hiện ở một trận bán kết World Cup.
Khi trọng tài thổi còi dứt trận, tôi cảm thấy vừa hạnh phúc lại vừa nhẹ nhõm, vì rốt cục tôi cũng trở lại một trận chung kết World Cup. Nhưng những ký ức trong cái khách sạn ở Pháp bốn năm trước quay trở lại.
Hôm ấy, tôi quyết định sẽ đi nghỉ một chút sau khi ăn trưa. Và giấc ngủ trưa ấy đã gieo kinh hoàng cho các đồng đội trước trận chung kết World Cup 1998 với Pháp. Bác sĩ bảo tôi không đá được, nhưng tôi chẳng chịu bỏ cuộc. Tôi đi gặp HLV Mario Zagallo, tôi nói chuyện với tất cả, không chừa một ai, vì muốn nghe một ý khiến khác.
Tôi biết mình xứng đáng được góp mặt ở chung kết sau khi đã cùng các đồng đội tiến vào đây. Tôi yêu cầu các bác sĩ kiểm tra và mọi kết quả đều không có gì bất thường. Nhưng trên chuyến xe buýt tiến vào Stade de France, Zagallo đã đưa một thông điệp thật rõ ràng: Ronaldo sẽ không đá.
Tôi cầm kết quả kiểm tra trên tay mình, tiến đến Zagallo và nói: "Tôi khỏe, đây là kết quả. Các bác sĩ nói tôi đá được và tôi muốn đá".
Cuối cùng, Zagallo đồng ý sẽ thay đổi đội hình xuất phát. Tôi ra sân từ đầu. Nhưng những gì đã diễn ra ở khách sạn đã ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả. Cơn động kinh ấy của tôi hẳn đã làm tất cả sợ hãi. Họ chưa từng nhìn thấy điều gì như thế.
Và vì ký ức đáng sợ này, vào năm 2002, tôi đã không dám ngủ trưa vào ngày diễn ra trận chung kết. Thà mệt một chút còn hơn. Thế là tôi tìm đồng đội để nói chuyện, nhưng ai cũng đi ngủ trưa cả rồi. Mọi người cần nghỉ ngơi cho trận đấu quan trọng nhất cuộc đời. May quá, vẫn còn thủ môn dự bị còn thức. Thế là tôi trò chuyện với Dida suốt cả tiếng đồng hồ. Cậu ấy rất dễ thương, luôn hướng sự tập trung của tôi vào những việc khác vì biết tôi đang nghĩ về ký ức của bốn năm trước.
Khi bước vào sân bóng, tôi đã bỏ những ký ức buồn ở sau lưng và chơi bóng với tất cả sự tự do. Đấy là một trận chung kết thật đẹp. Đức rất mạnh, nhưng tôi đã ghi được hai bàn để mang về chiếc Cup vàng, đồng thời chôn vùi bóng ma của bốn năm trước.
Tôi bị rút ra nghỉ năm phút trước khi hết giờ. Và tôi đã tiến đến ôm Rodrigo Paiva, nhân viên phụ trách truyền thông của đội. Tôi bắt đầu khóc và nói: "Chúng ta làm được rồi. Khó khăn, nhưng mình đã làm được".
Tôi suýt ngã quỵ vì bị cảm xúc đánh gục. Lúc ấy, tôi là người hạnh phúc nhất thế giới. Chúng tôi đã chơi hay đến mức trọng tài có cộng thêm 100 phút, Đức cũng không cách gì gỡ được. Những phút cuối trận, tôi xem trận đấu với đôi mắt nhòa lệ. Đấy không chỉ là chiến thắng của đội tuyển Brazil mà còn của cá nhân tôi.
Giây phút ấy, tôi cảm thấy mình đã đi trọn vẹn một hành trình. Tôi không chỉ thắng World Cup, tôi còn chiến thắng một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt với chính bản thân mình suốt hai năm trời. Đấy là chiến thắng lớn nhất sự nghiệp tôi, và cả cuộc đời tôi.
Bây giờ, tôi thỉnh thoảng vẫn chơi thể thao, tôi vào phòng gym, đánh tennis một chút. Nhưng khi đá bóng là tôi lại đau ngay. Chuẩn bị thể lực cho bóng đá phức tạp hơn những môn khác. Bóng đá đòi hỏi tốc độ, sự tăng tốc đột ngột và những cuộc bứt phá. Nó gia tăng sức ép lên những múi cơ khắp cơ thể. Những lần vào sân sau khi đã giải nghệ, đôi chân không còn tuân theo ý muốn của tôi nữa.
Tôi vẫn luôn nói: bóng đá là trường đại học của tôi. Tôi không có thời gian học đại học, nhưng bóng đá dạy cho tôi nhiều hơn bất kỳ giáo sư hay tiến sĩ nào. Tôi luôn biết ơn bóng đá đã giúp mình trưởng thành như ngày hôm nay. Nó dạy cho tôi biết mình mạnh mẽ như thế nào. Trước lúc chấn thương, tôi không nhận ra điều đó. Tôi đã giành nhiều danh hiệu trong đời, ghi nhiều bàn thắng. Nhưng quả thực bóng đá vẫn cho tôi nhiều hơn những gì tôi có thể cống hiến cho nó.
Hoài Thương (theo FourFourTwo)