Trong phát biểu tối 13/3, Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được xem là ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa cho cuộc đua Nhà Trắng năm 2024, mô tả chiến sự Nga - Ukraine là "tranh chấp lãnh thổ" và cho rằng Mỹ không nên "vướng quá sâu" vào cuộc xung đột, bởi điều này "không mang lại lợi ích quốc gia".
Quan điểm của DeSantis phản ánh sự đồng thuận mới giữa các cử tri cánh hữu, những người đã từ bỏ lập trường chống Nga của cựu tổng thống Ronald Reagan và quay sang ủng hộ quan điểm của Donald Trump, người từ lâu bày tỏ đồng cảm với Tổng thống Vladimir Putin và phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong vấn đề Ukraine.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2 năm ngoái, Mỹ đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ Ukraine và cũng là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho nước này. Ukraine cũng được xem là một trong những vấn đề hiếm hoi mà Mỹ đạt đồng thuận lưỡng đảng.
"Các lãnh đạo trong đảng của tôi hoàn toàn ủng hộ một nước Mỹ vững mạnh và đoàn kết, cũng như một liên minh xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ", Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức tháng trước. "Đừng nhìn vào Twitter, hãy nhìn vào những người đang nắm quyền lực".
Nhưng ở hậu trường, một bức tranh khác biệt dần hé lộ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa hoài nghi về tầm quan trọng của Ukraine với Mỹ, tin rằng Washington đã "làm quá nhiều" trong nỗ lực ủng hộ Kiev. Họ thậm chí để ngỏ kịch bản Ukraine chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình sớm hơn.
DeSantis chưa tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông đang thúc đẩy mục tiêu này. Thống đốc Florida gần đây thực hiện chuyến quảng bá sách tại các bang bầu cử quan trọng và được nhiều người coi là đối thủ lớn nhất với ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa.
Ông Trump từng nói đã đến lúc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, tuyên bố ông sẵn sàng để Moskva kiểm soát bất kỳ phần lãnh thổ nào của Ukraine theo thỏa thuận.
Điều này trái ngược với lập trường của Tổng thống Biden và đồng minh châu Âu, những người tuyên bố duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine "đến khi nào còn cần thiết" để chống lại cuộc chiến của Nga và khẳng định sẽ để Kiev tự quyết định các điều khoản nếu đàm phán hòa bình.
Ông Biden đã coi xung đột Ukraine là "cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ". Phát biểu ở Kiev và Warsaw tháng trước, Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ Ukraine trên chiến trường chính là nhằm bảo vệ sự tự do và toàn vẹn của trật tự quốc tế.
Một số thành viên Cộng hòa đồng tình với quan điểm của ông Biden. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio ngày 14/3 chỉ trích lập trường của DeSantis, nói rằng xung đột Ukraine không phải "tranh chấp lãnh thổ". Ông thêm rằng Mỹ thực sự có lợi ích trong cuộc xung đột này, dù không phải là lợi ích "không giới hạn".
Cựu phó tổng thống Mike Pence cũng mạnh mẽ ủng hộ Ukraine. "Chúng tôi sẽ không quên cuộc chiến giành tự do của các bạn và tin rằng người Mỹ sẽ sát cánh cùng các bạn tới khi ánh sáng chiến thắng thắp lên ở Ukraine, châu Âu và toàn thế giới", ông nói ở Texas tháng trước.
Những tuyên bố này được Ukraine và các đồng minh châu Âu hoan nghênh. Song giới quan sát cho rằng hào quang của nó đang che khuất những cuộc thảo luận khó khăn và thực tế hơn về khả năng kéo dài của cuộc chiến, nguy cơ quân đội Ukraine kiệt sức trước khi giành chiến thắng, cũng như rủi ro xung đột trực diện với Nga.
Thống đốc DeSantis cảnh báo không nên thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể khiến Mỹ vướng vào xung đột và gây ra đụng độ với Nga, bao gồm cả việc cung cấp tiêm kích và tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Đây là sự leo thang đáng kể trong quan điểm của DeSantis với nỗ lực ủng hộ Ukraine.
Vài năm trước, DeSantis từng có quan điểm ủng hộ Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nghị sĩ DeSantis nói rằng ông Putin sẽ có những động thái tiếp theo nếu chính quyền tổng thống Barack Obama không cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí phòng thủ hơn.
Tháng trước, ông phản đối chính quyền Biden "viết tấm séc trắng cho Ukraine mà không có mục tiêu chiến lược rõ ràng", nhưng không thể hiện quan điểm quá quyết liệt.
Giới quan sát cho rằng sự thay đổi này cho thấy ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa đang có xu hướng thể hiện quan điểm giống Donald Trump, người khởi xướng khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và gần như đã định hình hướng đi của đảng Cộng hòa trong chính sách đối ngoại.
"Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của đảng Cộng hòa về các vấn đề và quan hệ quốc tế", Ford O’Connell, chiến lược gia của phe Cộng hòa, nói. "Nhiều cử tri Cộng hòa muốn nghe liệu quan điểm của các ứng viên khác có đi theo con đường đó hay không".
Stephen Wertheim, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Mỹ, cho rằng các tuyên bố của DeSantis đã thể hiện bất đồng ngày càng lớn với chính sách Ukraine của Tổng thống Biden, nhưng khoảng cách giữa họ có thể không lớn như nhiều người vốn tưởng.
Ông Biden năm ngoái tuyên bố Tổng thống Nga "không thể duy trì quyền lực", nhưng Nhà Trắng kể từ đó không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ theo đuổi chính sách này và cũng tránh để quân đội Mỹ tham gia trực tiếp vào xung đột. Mỹ cũng từ chối cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Nga, giảm nguy cơ leo thang đối đầu với Moskva. Washington còn nói rõ với Kiev rằng họ có thể khó duy trì hỗ trợ quân sự vô thời hạn.
"Có những khác biệt thực sự giữa ông Biden và DeSantis. Thống đốc Florida cởi mở hơn về khả năng giảm viện trợ quân sự và ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Ukraine", Wertheim nói. Tuy nhiên, ông thêm rằng "chúng ta cũng nên thấy những giới hạn trong cam kết của Tổng thống Biden với xung đột Ukraine, vốn đang bị che khuất bởi những tuyên bố ủng hộ công khai".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)