"Nếu nhà sản xuất cung cấp cho chúng tôi dữ liệu nhằm xác nhận tính ổn định hơn 6 tháng hoặc lâu dài của vaccine trong giai đoạn tới, rất có thể chúng tôi sẽ kéo dài thời gian sử dụng chúng", Valeriu Gheorghita, lãnh đạo cơ quan tiêm chủng của chính phủ Romania, cho biết hôm 1/7.
Gheorghita đưa ra đề xuất trong bối cảnh Romania còn tồn kho rất nhiều liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Số vaccine này hết hạn hôm 30/6, song chính phủ Romania muốn AstraZeneca tư vấn xem liệu có thể tiếp tục sử dụng hay không.

Một lọ vaccince Covid-19 của AstraZeneca tại Anh hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.
Dân Romania đang chần chừ tiêm vaccine Covid-19 một phần do những thông tin sai lệch và thiếu nhận thức, trong khi nước này đã ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm nCoV và hơn 33.700 ca tử vong.
Để thúc giục mọi người tiêm chủng, giới chức Romania mở những trung tâm tiêm miễn phí theo lịch hẹn ngay các khu chợ, sân bay và phòng hòa nhạc. Romania cũng cử bác sĩ đến các ngôi làng ở xa, nơi người dân còn nhiều hoài nghi về vaccine Covid-19.
Trong số những người Romania đã được tiêm chủng, 77% tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer, 9% tiêm vaccine AstraZeneca, trong khi số người tiêm vaccine Moderna và Johnson&Johnson lần lượt là 7,7% và 6,3%.
Trước đó, cơ quan quản lý y tế Canada hôm 29/5 cho biết đã gian hạn thời gian sử dụng của lô vaccine AstraZeneca thêm 30 ngày, từ 31/5 tới 1/7, dựa trên các bằng chứng khoa học. Canada muốn đảm bảo các tỉnh và vùng lãnh thổ có thể sử dụng hết số vaccine Covid-19 tồn kho.
Bộ Y tế Đan mạch ngày 29/6 cho biết được Romania cũng chấp thuận bán 1,17 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech dư thừa sau khi nước này bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho 5 triệu dân hồi cuối tháng 5.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)