Tức ngực, khó thở, ho, xâm xoàng hay chóng mặt... cuối buổi tập nặng không xa lạ ở người chơi thể thao. Tuy nhiên, với người chạy bộ, các triệu chứng này có thể xuất hiện sau tập luyện hoặc khi đã hồi phục thể lực.
Khi gặp tình trạng trên, một số bác sĩ thường chẩn đoán hen suyễn và kê đơn thuốc hít. Vài trường hợp liên quan đến bệnh hô hấp hoặc dị ứng được kê thêm thuốc và yêu cầu nghỉ ngơi. Thế nhưng ở một số runner, các triệu chứng ấy không biến mất dù đã thăm khám bác sĩ và trị liệu. Nhiều runner thấy chán nản, thất vọng, thậm chí nhịp thở ngày càng khó khăn, căng thẳng hơn.
Theo Runners World, nếu triệu chứng trên kéo dài, có thể bạn đang bị rối loạn chuyển động nếp gấp giọng nói nghịch lý (PVFMD) hoặc nói chung là rối loạn chức năng nếp gấp thanh quản (VFD). Dưới đây là cách nhận biết liệu các vấn đề về hô hấp của bạn khi chạy có thể bắt nguồn từ VFD hay không và cách khắc phục.
Rối loạn chức năng dây thanh âm là gì?
Thay vì dây thanh âm mở tự do trong quá trình hít vào, chúng lại bị thắt chặt hoặc đóng lại, gây ra VFD. Đây là lý do runner bị VFD thường thở khò khè khi hít vào, không giống người bị hen suyễn, thường có tiếng khò khè khi thở ra.
"Khi mô hình tự nhiên của dây thanh âm đóng mở không ăn khớp nhau, nó có thể trở thành hội chứng rối loạn", chuyên gia nói trên Runners World.
Dù tỷ lệ mắc VFD vẫn khó xác định do khó khăn trong chẩn đoán, nhưng ước tính có ít nhất 5% vận động viên sức bền ưu tú bị VFD, cao hơn người tập luyện thuần túy vì muốn khỏe hơn và các gương mặt trẻ.
Vận động là yếu tố kích hoạt các triệu chứng phát sinh và hoạt động kéo dài dẫn đến khó thở cấp tính. Do đó, các vận động viên sức bền thường có khả năng cao bị VFD. Nếu không tạm dừng, tạo cơ hội để các nếp gấp của thanh quản được thiết lập lại cũng như tiếp tục thư giãn tự nhiên, tình trạng sẽ không thuyên giảm. Đặc biệt, tác động của rối loạn chức năng có thể hình thành trong quá trình chạy.
Căng thẳng về thể chất lẫn cảm xúc có thể khiến vấn đề trầm trọng thêm. Nếu bị stress thời gian dài, các cơ sẽ căng hơn, nhất là cơ ở cổ và xung quanh thanh quản. Tình trạng này dẫn đến các nếp gấp thanh quản chặt chẽ hơn hoặc đóng lại.
Các tác nhân thể chất khác người chạy dễ gặp như thay đổi thời tiết (nhất là hít thở không khí lạnh), dị ứng theo mùa, hen suyễn và trào ngược dạ dày... Nếu vùng cổ và các cơ lân cận bị siết chặt quá lâu sẽ dẫn đến VFD.
Runners World dẫn lại một nghiên cứu và chỉ ra rối loạn này xảy ra thường xuyên ở những người đang gắng sức (nỗ lực giành học bổng kỳ cuối trung học, luyện thi đại học hoặc có bước phát triển nhảy vọt nào đó...). Áp lực thành tích có thể dẫn đến căng thẳng thể chất và thay đổi bên trong cơ thể.
Runner khi nỗ lực dễ bỏ qua tín hiệu của hệ hô hấp, khiến triệu chứng thêm nặng. Khi cảm nhận nhịp thở bị mất kiểm soát, họ sẽ hoảng hốt, thở ngắn và nông hơn. Đồng đội lẫn huấn luyện viên có thể nghe thấy sự khác biệt về nhịp thở, trong khi vận động viên đôi khi không theo kịp bài tập và bỏ lỡ cuộc đua. Người luôn có cảm giác bản thân bị tách rời khỏi nhóm hoặc lo lắng mọi thứ đang xảy ra, vấn đề có thể tồi tệ hơn.
Tất cả yếu tố trên góp phần tạo ra vòng lặp phản hồi tiêu cực và căng thẳng cảm xúc. Khi tình trạng này lặp lại liên tục, việc tập luyện cũng có thể gây ra thay đổi về nhịp thở.
Cách trị liệu
Phương pháp trị rối loạn chức năng dây thanh âm tốt nhất hiện nay là tiếp cận đa mô thức. Người chơi thể thao, vận động viên có thể xin chẩn đoán, tư vấn từ những người có kinh nghiệm, nhà ngữ âm bệnh học, bác sĩ tai mũi họng, nhà tâm lý học và các chuyên gia khác trong lĩnh vực này....
Hãy cởi mở, trung thực liệt kê các triệu chứng bạn gặp phải. Đồng thời ghi chú, chia sẻ cảm nhận, những phương pháp từng áp dụng, loại thuốc đã dùng... để quá trình trị liệu suôn sẻ hơn
Sau chẩn đoán, tìm hiểu về giải phẫu hệ thống thở là bước đầu tiên trong điều trị. Vận động nên cần tập thở bằng cơ hoành hoặc "bụng" thường xuyên vì quan trọng trong việc thiết lập lại mô hình nếp gấp thanh âm (trái ngược với thở cao hoặc bằng ngực).
Điều trị thành công thường gồm thư giãn và phục hồi các dây thanh âm, trong đó có liệu pháp kiểm soát thanh quản. Massage cổ họng, yết hầu cũng mang lại hiệu quả.
Vì VFD được coi là rối loạn cảm giác vận động, nên việc tăng cường độ chính xác của cảm giác và khả năng tự nhận thức về dây thanh âm cũng có thể hữu ích. Nhiều vận động viên cho rằng các nếp gấp thanh quản mở ra khi thở, cổ họng thoải mái trong suốt quá trình hô hấp, là bước ngoặt phòng ngừa bệnh.
Theo đó chuyên gia khuyên bạn nên thực hành thở bằng cơ hoành trong trạng thái nghỉ ngơi, đồng thời hình dung và cố gắng cảm nhận các nếp gấp thanh âm đang mở ra. Khi kỹ thuật này thuần thục và tự nhiên hơn, hãy áp dụng nó khi đi bộ, chạy chậm... đến khi nhuần nhuyễn trong tất cả lần chạy.
Hiện lúc điều trị, nhiều thiết bị ghi hình nhỏ được bác sĩ đặt trong cổ họng nhằm hiển thị các nếp gấp thanh quản của vận động viên đóng mở thế nào khi tập thể dục. Cuối cùng, họ sẽ cảm nhận được sự khác biệt mà không cần sử dụng tới thiết bị này.
Thực hành các kỹ thuật thở, thư giãn, khởi động hàng ngày, sẵn sàng sống chậm lại và nghỉ giải lao khi cần thiết có thể rút ngắn thời gian rối loạn. Có tới 80% vận động viên không còn dùng thuốc trị hen suyễn sau khi trải qua các đợt điều trị như vậy.
Nếu căng thẳng là thủ phạm chính gây ra các triệu chứng, thì bác sĩ thể thao có thể loại bỏ tình trạng này. Nếu không tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị, loạt vấn đề liên quan có nguy cơ bùng phát trở lại khi bạn rơi vào cảnh stress tương tự.
Trang Runners World nhấn mạnh: "Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Nhiều vận động viên ưu tú đã xử lý và loại bỏ VFD. Áp dụng cách thở hiệu quả, bạn có thể điều trị nhanh và suôn sẻ hơn".
Khương Nghi (theo Runners World)
Marathon tốt cho sức khỏe, cải thiện vóc dáng. Bạn có thể tham gia VnExpress Marathon Quy Nhơn diễn ra vào 6/6, mùa cao điểm của du lịch Quy Nhơn - Phú Yên. Các vận động viên có thể kết hợp dự giải với chạy bộ và du lịch cùng gia đình, người thân. Hàng chục nghìn người đã đến thành phố biển miền Trung này trong khoảng thời gian tổ chức giải. VnExpress Marathon Amazing Halong diễn ra ngày 1/8, tại thành phố du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Lần đầu tổ chức tại thành phố biển, giải hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho vận động viên cả nước. VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang sẽ diễn ra vào ngày 19/9 tại Nha Trang, là sự kiện marathon lớn nhất của thành phố từ trước đến nay. Giải đặt mục tiêu thu hút từ 6.000 vận động viên, quy tụ các chân chạy, câu lạc bộ khắp cả nước. VnExpress Hanoi Midnight khởi tranh lúc nửa đêm ngày 20/11, trong cái lạnh đầu đông đặc trưng của Thủ đô. Những địa danh lịch sử và con đường nổi tiếng sẽ hiện ra dưới bước chạy của vận động viên. |