Việc phát triển tên lửa tái sử dụng đối với Rocket Lab từng là một trong những điều mà CEO Peter Beck cho rằng "sẽ không bao giờ thành hiện thực", nhưng vào tháng 11 năm ngoái, công ty đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên thu hồi thành công tầng đẩy thứ nhất của tên lửa Electron bằng dù trên Thái Bình Dương. Cột mốc này là cơ sở để Rocket Lab hướng đến những mục tiêu tham vọng hơn.
Trong một tuyên bố vào đầu tháng ba, công ty vũ trụ tư nhân của Mỹ tiết lộ rằng họ đang phát triển một mẫu tên lửa tái sử dụng mới cao tới 40 m (lớn hơn nhiều so với Electron) và có thể phóng từ 2 đến 8 tấn tải trọng, bao gồm cả hàng hóa và phi hành gia, vào không gian.
Trong khi tầng đẩy thứ nhất của tên lửa Electron hạ cánh xuống biển bằng dù, Rocket Lab hướng đến thu hồi tầng 1 của tên lửa Neutron bằng động cơ xuống bệ đỡ nổi trên biển, cho phép công ty cạnh tranh trực tiếp với SpaceX về các hợp đồng phóng vệ tinh lớn lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và thậm chí là đưa con người lên Mặt Trăng.
Neutron có sức nâng gấp 25 lần so với phiên bản tiền nhiệm Electron, nhưng so với mẫu tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của SpaceX, nó vẫn còn kém xa (chỉ bằng khoảng 35%). Đối tượng khách hàng mà Rocket Lab nhắm tới sẽ là những công ty đang phát triển các lô vệ tinh hoặc vệ tinh cỡ lớn nhưng muốn phóng bằng tên lửa nhỏ hơn Falcon 9.
"Sức nâng 8 tấn của Neutron là lý tưởng để triển khai các vệ tinh theo lô (phóng nhiều vệ tinh cùng lúc) tới các mặt phẳng quỹ đạo cụ thể, tạo ra một cách tiếp cận mới để xây dựng các chòm sao vệ tinh lớn", Beck nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, tên lửa Neutron sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2024.
Đoàn Dương (Theo Space/CNET)