"Định dạng ảo của Sophia có thể cho phép chúng tôi mở rộng quy mô tương tác đồng thời trên các thiết bị và nền tảng lên con số hàng triệu", Jeanne Lim, đồng sáng lập kiêm CEO của beingAI - startup tạo ra phiên bản NFT của Sophia, cho biết. Lim là cựu CEO Hanson Robotics - công ty chế tạo Sophia.
Sophia ảo của beingAI được trang bị nhiều tính năng thông minh, tương tác với con người qua máy tính. Robot này được tạo trên Alethea AI, một giao thức phi tập trung dùng trong nội dung metaverse và nhúng công cụ GPT-3 của OpenAI để tạo ra các NFT thông minh hơn so với NFT hiện tại.
GPT-3 hiện được xem là "siêu AI" khi có thể tự học, viết văn, vẽ tranh, lập trình và có suy nghĩ gần như con người. AI này từng bị lo ngại vì có thể gây nguy hiểm hơn cả deepfake.
NFT Sophia được giới hạn 100 phiên bản và được bán đấu giá trên Binance NFT Marketplace. Giá bán mỗi sản phẩm chưa được tiết lộ, nhưng có thể khởi điểm từ hàng chục nghìn USD.
NFT (non-fungible token) là một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. Độ phổ biến của NFT năm nay vượt qua sự ồn ào của Covid-19 để trở thành Từ của năm.
Sophia do Hanson Robotics - công ty chuyên về robot có trụ sở tại Hong Kong - sản xuất. Năm 2016, robot này trình làng và nhanh chóng tạo ấn tượng nhờ khả năng trò chuyện, mỉm cười, kể chuyện và biểu cảm như người thật. Sophia cũng đi vào lịch sử khi trở thành công dân hợp pháp của Arab Saudi vào tháng 10/2017.
Ngày 13/7/2018, robot Sophia có mặt tại Hà Nội để tham dự Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 với tư cách khách mời. Tại diễn đàn, robot bàn về các vấn đề quan trọng của cách mạng 4.0.
Bảo Lâm