Sophia, người máy được công bố năm 2016 và nổi tiếng vì những bình luận dí dỏm, đang tạo ra những tác phẩm hội họa kỹ thuật số, phối hợp với họa sĩ Italy Andrea Bonaceto. "Chúng tôi muốn làm nên một tuyên ngôn trong thế giới nghệ thuật và công nghệ, mở ra thế giới mới, trong đó robot AI và con người có thể hợp tác và cải thiện năng lực của nhau", Bonaceto nói.
AI của Sophia lấy những yếu tố từ tranh của Bonaceto, lịch sử hội họa và khả năng vẽ của bản thân để tạo ra những tác phẩm hội họa hoàn toàn mới. Bức chân dung tự họa mang tên "Sophia Instantiation" cùng file video dài 12 giây cho thấy sự biến đổi từ tranh của Bonaceto thành tranh kỹ thuật số của Sophia, sẽ được chào bán trên cổng Nifty Gateway dưới dạng NFT vào cuối tháng 3.
Nhà sưu tầm Pablo Fraile ở Miami (Mỹ) cho rằng tác phẩm của Sophia "rất thâm thúy". "Chúng ta sẽ thấy nó được bán với giá cao, thậm chí có thể lập kỷ lục mới. Nó có thể được định giá từ hàng trăm nghìn đến cả triệu USD", ông cho hay.
"Tôi rất vui mừng và hy vọng thế giới sẽ thích tác phẩm của mình", robot Sophia cho hay.
NFT (Non-fungible token) - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm - sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm, như bức tranh JPG hay video MP4, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.
Sở hữu NFT được ví như mua một món hàng sưu tầm có một không hai. Nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó, nhằm biến mình trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc kỳ vọng sản phẩm tăng giá và bán kiếm lời. Song song với cơn sốt tiền điện tử, NFT cũng trở thành mặt hàng mới, được giới đầu tư quan tâm thời gian gần đây.
Điệp Anh (theo Reuters)