Curiosity phóng lên không gian nhờ tên lửa Atlas ngày 26/11/2011 từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral, Florida. Khoảng 9 tháng sau, vào ngày 5/8/2012, Curiosity thành công đáp xuống hố trũng Gale của hành tinh đỏ.
Từ đó đến nay, Curiosity đã chạy khoảng 29 km và trèo lên cao 625 m trong quá trình khám phá hố trũng Gale và núi Sharp. Robot phân tích 41 mẫu đất đá, sử dụng các công cụ khoa học để tìm hiểu xem chúng có thể hé lộ những gì liên quan đến Trái Đất. Các kỹ sư cũng nỗ lực tìm cách để giảm thiểu sự hao mòn và giữ cho robot tiếp tục lăn bánh. Đầu năm nay, NASA cũng thông báo kéo dài nhiệm vụ của Curiosity thêm ba năm, tiếp tục là một trong những nhiệm vụ sinh học vũ trụ quan trọng của NASA.
Trong thập kỷ qua, Curiosity đã mang lại nhiều thông tin giá trị về sao Hỏa. Mục tiêu chính của robot này là xác định xem sao Hỏa có từng phù hợp cho sự sống hay không. Curiosity nghiên cứu bầu trời của hành tinh đỏ, chụp ảnh những đám mây sáng và mặt trăng chuyển động. Cảm biến bức xạ của robot cho phép giới chuyên gia đo lượng bức xạ năng lượng cao mà các phi hành gia tương lai sẽ phải tiếp xúc trên bề mặt sao Hỏa, giúp NASA tìm hiểu cách đảm bảo an toàn cho họ.
Curiosity cũng giúp xác định rằng nước lỏng, các thành phần hóa học và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống từng tồn tại ít nhất hàng chục triệu năm trong hố trũng Gale. Hố trũng này từng có một hồ nước với kích thước tăng giảm thay đổi theo thời gian. Mỗi lớp cao hơn trên núi Sharp đóng vai trò như một bản ghi chép về thời kỳ gần đây hơn của môi trường sao Hỏa.
Hiện tại, Curiosity đang di chuyển qua một hẻm núi đánh dấu sự chuyển đổi sang khu vực mới. Khu vực này được cho là hình thành khi nước khô cạn, để lại những khoáng chất mặn gọi là sulfate. Nhóm nghiên cứu dự định dành vài năm tới để khám phá khu vực giàu sulfate này. Họ nhắm đến một số địa điểm tại đó như kênh Gediz Vallis và cụm vết nứt lớn cho thấy tác động của nước ngầm trên núi Sharp.
Thu Thảo (Theo Phys)