Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) thông báo, robot Climber vừa thám hiểm một sông băng xa xôi và trở thành robot tự hành đầu tiên lăn bánh trên cao nguyên cao nhất thế giới - Tây Tạng, SCMP hôm 27/6 đưa tin. Robot Trung Quốc đã khám phá các vùng đất ngoài hành tinh, nhưng nhiều khu vực thuộc Tây Tạng vẫn là "cấm địa" vì môi trường vô cùng khắc nghiệt với những hiện tượng không có trên sao Hỏa hay Mặt Trăng như tuyết lớn và băng nứt vỡ.
Climber lớn tương đương một chiếc ôtô. Nó đã dành 5 ngày khám phá sông băng Kuoqionggangri ở độ cao hơn 5.500 m so với mực nước biển và thu thập nhiều dữ liệu khoa học. Để thực hiện nhiệm vụ, robot này phải vượt qua địa hình gồ ghề, tuyết dày, đá vụn và leo lên những dốc cao. Nó phải hoạt động ở nhiệt độ cực kỳ thấp, tự khởi động lại sau khi mất điện và tránh một số vết nứt nguy hiểm ẩn dưới băng.
Trong tương lai, robot tự hành và drone có thể thay con người khám phá những vùng xa xôi và khó tiếp cận của Tây Tạng, theo CAS. Việc nghiên cứu Tây Tạng giúp giới khoa học hiểu thêm về các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và sông băng tan chảy - tình trạng làm tăng nguy cơ xảy ra thiên tai và đe dọa đến nguồn nước của hàng triệu người. Điều này cũng giúp con người chuẩn bị cho những thảm họa có nguy cơ xảy ra, ví dụ khí methane trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu rộng lớn ở Tây Tạng thoát ra, ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu Trái Đất.
Trung Quốc mới chỉ tổ chức hai chuyến thám hiểm khoa học quy mô lớn ở Tây Tạng trong 50 năm qua do gặp khó khăn về di chuyển và những thách thức khác. Một nhà địa chất học từng tham gia chuyến thám hiểm cách đây 3 năm nhận xét, việc sử dụng robot giúp bảo vệ mạng sống cho các nhà nghiên cứu. Người này cho biết, chuyến thám hiểm diễn ra ở những nơi có độ cao lớn, tuyết rơi thường xuyên và cực kỳ nguy hiểm, thậm chí một số nhà khoa học đã thiệt mạng.
Climber hoạt động theo cách tương tự robot Mặt Trăng Thỏ Ngọc và robot sao Hỏa Chúc Dung. Nó khám phá xung quanh sau khi được xe tải hoặc trực thăng thả xuống địa điểm chỉ định. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu có thể ở dưới và theo dõi dữ liệu nó gửi về.
Climber nằm trong chương trình có kinh phí 2 triệu USD do Trung Quốc triển khai vào năm 2018 nhằm phát triển các robot hoàn toàn tự động phục vụ mục đích khám phá khoa học ở cao nguyên cao nhất thế giới. Các chuyên gia dự kiến triển khai thêm robot tự hành tại các khu vực khác thuộc Tây Tạng để thu thập dữ liệu trong dài hạn. Chương trình do He Yuqing, chuyên gia robot tại Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc CAS, phụ trách.
Các nhà khoa học phải vượt qua nhiều thách thức để khiến robot hoạt động hiệu quả. Ví dụ, robot cần lên kế hoạch lộ trình và di chuyển trên địa hình nhiều băng với rất ít, thậm chí không có mốc đối chiếu nào nhìn thấy được, nguồn điện phải đủ duy trì mức hoạt động cao trong thời gian dài ở môi trường cực kỳ lạnh. Hệ thống trí tuệ nhân tạo của robot cũng phải nhận biết được những lổ hổng nguy hiểm ẩn dưới tuyết và tìm cách đi vòng qua an toàn.
Nhóm nghiên cứu của He đã tìm ra một số giải pháp sáng tạo cho những vấn đề trên, trong đó có "lốp biến hình" với khả năng tự động thay đổi hình dạng theo địa hình để tăng độ bám. Họ cũng phát triển một số phương tiện khác bao gồm robot hỗ trợ cho các nhà khoa học làm việc trong trạm nghiên cứu và drone có thể hoạt động ở độ cao hơn 6.000 m trong điều kiện gió mạnh.
Thu Thảo (Theo SCMP)