Ảnh chụp tự sướng cho phép các kỹ sư kiểm tra tình trạng hao mòn trên robot, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ngoài ra, microphone tiếp cận khí quyển, đáp xuống và hạ cánh của robot cũng ghi lại âm thanh các motor chạy ro ro trong suốt quá trình.
Video từ một trong những camera định vị của Perseverance cho thấy cánh tay robot của phương tiện vận động để chụp 62 khung hình tạo thành bức ảnh ghép. Bức ảnh tự sướng của Perseverance ra đời với sự trợ giúp của đội ngũ nòng cốt gồm khoảng 12 người, trong đó có chuyên viên điều khiển xe tự hành, kỹ sư thử nghiệm ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), kỹ sư vận hành camera chuyên phát triển trình tự thao tác, xử lý ảnh chụp và kết hợp các bức ảnh. Cả đội mất một tuần để soạn tất cả chỉ thị cần thiết.
JPL hợp tác với Hệ thống Khoa học Không gian Malin (MSSS) ở San Diego, đơn vị phục trách chế tạo và vận hành camera tự sướng. Mang tên WATSON (Wide Angle Topographic Sensor for Operations and eNgineering), camera này được thiết kế chủ yếu để chụp ảnh cận cảnh chi tiết bề mặt đá thay vì ảnh góc rộng. Do mỗi bức ảnh của WATSON chỉ gồm một phần nhỏ khung cảnh, các kỹ sư phải lệnh cho robot chụp hàng chục lần để tạo ra ảnh tự sướng.
Khi nhận được ảnh chụp từ sao Hỏa, những kỹ sư xử lý ảnh chụp MSSS bắt tay vào việc. Họ xử lý bất kỳ vệt mờ nào do bụi bám trên thiết bị dò ánh sáng của camera gây ra. Sau đó, họ ghép những khung hình thành ảnh ghép và xóa đường nối bằng phần mềm. Cuối cùng, một kỹ sư làm méo và cắt ảnh ghép để sản phẩm trông giống ảnh chụp từ camera thông thường mà mọi người vẫn thấy.
Giống như robot Curiosity, Perseverance cũng có một tháp xoay ở cuối cánh tay robot. Cùng với các thiết bị khoa học khác, trên tháp đặt camera WATSON hướng ống kính vào robot tự hành trong lúc chụp ảnh tự sướng. Cánh tay robot đóng vai trò như gậy tự sướng và không nằm trong khung hình ở bức ảnh cuối cùng. Việc ra lệnh để Perseverance chụp ảnh tự sướng khó khăn hơn nhiều so với Curiosity. Trong khi tháp xoay của Curiosity có đường kính 55 cm, tháp xoay của Perseverance lớn hơn hẳn với đường kính 75 cm.
JPL tạo ra phần mềm nhằm đảm bảo cánh tay không va vào robot tự hành. Mỗi lần phát hiện nguy cơ va chạm dựa theo mô phỏng trên Trái Đất, nhóm kỹ sư lại điều chỉnh phương hướng cánh tay. Quá trình lặp lại hàng chục lần nhằm đảm bảo chuyển động của cánh tay an toàn. Chuỗi lệnh cuối cùng đặt cánh tay ở gần robot hết mức có thể mà không va vào nó. Các kỹ sư cũng chạy mô phỏng để chắc chắn trực thăng Ingenuity được đặt ở vị trí phù hợp trong bức ảnh tự sướng cuối cùng hoặc microphone có thể ghi lại âm thanh từ motor ở cánh tay robot. Tiếng motor chạy nghe giống như một bản nhạc khi dội qua khung gầm của robot tự hành.
An Khang (Theo Phys.org)