Sáng 26/5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho Robot TBM đào đoạn hầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, robot khoan ngầm theo phương pháp đào TBM là công nghệ tiên tiến, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. "Công nghệ này kiểm soát tốt lún, sụt, giảm thiểu tác động đến môi trường giao thông và đẩy nhanh được tiến độ", ông Quang nói.
TBM là máy khoan nằm ngang, gồm một ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, động cơ làm quay tròn để cắt đất.
Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm (là các tấm bêtông cốt thép lắp ghép) sẽ được ghép đến đó để tránh sạt lở đất, đá phía trên. Dự kiến, robot khoan hai đường hầm từ ga Ba Son đến ga nhà hát trong khoảng một năm.
Robot TBM dài 70 m, nặng 300 tấn, được sản xuất tại Nhật với trị giá khoảng 4 triệu USD, được chuyển về Việt Nam hồi đầu năm.
Đại diện Liên doanh nhà thầu Shimizu - Maeda (Nhật Bản) cho biết, đường hầm khiên đào này sẽ kết nối giữa nhà ga Ba Son nằm cạnh sông Sài Gòn và nhà ga nhà hát TP HCM với nhiều công trình lịch sử nên đòi hỏi sự thận trọng đặc biệt trong quá trình thi công.
"Chúng tôi sẽ áp dụng kinh nghiệm thi công các tuyến đường sắt ở Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới vào công trình này ở Việt Nam theo hướng tích cực nhất, truyền tải tối đa những kỹ thuật tiên tiến cho các bạn, đảm bảo chất lượng theo cách thức an toàn", đại diện liên doanh này khẳng định.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Mạnh Tùng