Thứ ba, 7/1/2025
Thứ năm, 25/5/2017, 00:00 (GMT+7)

Hai tháng lắp robot 300 tấn đào hầm tuyến metro ở TP HCM

Sau hơn 2 tháng lắp ráp, robot đào ngầm TBM từ Nhật Bản được hoàn thiện và đào đoạn hầm tuyến metro từ nhà ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố.

Từ 15/3/2017, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM bắt đầu triển khai thiết bị đào ngầm TBM (robot TBM) để thi công đoạn metro ngầm trong lòng đất dài 781 m từ nhà ga Ba Son về ga Nhà hát thành phố, thuộc dự án metro số 1. Đây là tuyến metro đào đường hầm ngầm có đường kính 6,79 m và lớn nhất Việt Nam.

Mô hình robot khoan ngầm TBM dưới lòng đất được đặt tại văn phòng dự án metro số 1. Hôm qua, họp về tiến độ thi công, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Dương Hữu Hòa cho biết, ngày 26/5 robot bắt đầu đào đường hầm dài 781 m, kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Nhà hát thành phố và Ba Son.
 

Ông Tô Đình Phương - kỹ sư trưởng lắp Robot TBM, cho biết toàn bộ bộ phận robot TBM dài 70 m, nặng 300 tấn được sản xuất ở Nhật và chuyển về Việt Nam hồi tháng 1.

"Vì điều kiện thi công chật hẹp, nên để lắp ráp, từng phần của robot được tách rời, dùng container chở đến công trường", kỹ sư Phương cho biết.

Robot được đặt xuống độ sâu 17 m trong lòng đất. Máy khoan hầm sử dụng cho dự án là EPB-TBM (Earth Pressure Balance - Tunneling Boring Machine), một tổ hợp máy đào có thể thực hiện được các hạng mục thi công hầm bằng phương pháp cân bằng áp lực đất.

Các chi tiết của Robot được cẩu xuống lòng đất để công nhân, kỹ sư lắp ráp. Theo kỹ sư Phương, việc lắp đầu máy khoan là phức tạp và quan trọng nhất, phải mất một tháng để xong phần này.

Phần đầu máy khoan chính dài 12,5 m, có gắn các mũi khoan được lắp đặt ở trước miệng hầm. Vòng đỡ và lưỡi khoan có đường kính gần 6,79 m, dài 8,30 m.

Các phần còn lại của robot đào hầm là buồng máy, buồng điều khiển, buồng cung cấp vữa xi măng, xe kéo... được lắp đặt sau khi hoàn thiện phần đầu máy khoan.

Có khoảng 40 kỹ sư, công nhân tham gia lắp ráp, trong đó có sự trợ giúp của những chuyên gia người Nhật.

Các chi tiết được lắp ráp tỉ mỉ, đòi hỏi độ chính xác cao. Khi hoàn thành, robot TBM sẽ khoan 12 m đường hầm mỗi ngày. Trong quá trình đào, đất được chuyển băng tải guồng và nghiền xay đất thành bùn lỏng. Tiếp theo là qua các hệ thống lọc sẽ tách lấy nước để dùng lại cho mục đích thi công và đất cát sẽ chuyển đi ra khỏi công trường...

Dự kiến khi khoan xong một đường hầm từ Ba Son về đến ga Nhà hát TP, robot sẽ được tháo rời và đưa trở lại nhà máy Ba Son lắp ráp để khoan đường hầm thứ hai.

Dự án tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TP HCM, tổng vốn 2,49 tỷ USD) dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, công trình có khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Công trình khởi công từ tháng 8/2012, dự kiến đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020.

Robot đào hầm ở Sài Gòn được lắp ráp như thế nào?
 
 

Robot đào tuyến đường hầm metro số 1 được lắp ráp như thế nào

Quỳnh Trần