Lính Vệ binh Quốc gia Ukraine Artem Ryabchuk, 21 tuổi, ngày 27/1 dùng súng AK bắn chết 5 đồng đội và làm 5 người bị thương tại Nhà máy Chế tạo máy Makarov Yuzhny, cơ sở chế tạo tên lửa và các thiết bị quốc phòng, dân dụng ở thành phố Dnepr. Ryabchuk bỏ trốn sau vụ xả súng và bị bắt vài giờ sau đó.
Giới chức Ukraine nói chưa rõ động cơ gây án của lính nghĩa vụ Ryabchuk. Thứ trưởng Nội vụ Anton Gerashchenko cho biết các điều tra viên sẽ xem xét cách Ryabchuk vượt qua vòng kiểm tra y tế để được cấp phát vũ khí thực hiện nhiệm vụ canh gác tại nhà máy.
Sau vụ nổ súng, nhiều tin đồn rộ lên trên mạng xã hội Ukraine rằng Ryabchuk là một đặc vụ Nga, một số người thậm chí còn cho rằng đây là nhiệm vụ đầu tiên trong loạt vụ giết người sắp xảy ra. Thành phố Dnepr, nơi xảy ra vụ nổ súng, nằm cách không xa vùng Donbass, khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Thuyết âm mưu về vai trò của Nga trong vụ xả súng lan truyền sau khi giới chức Mỹ và Anh hồi đầu tháng cáo buộc Nga sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm gây ra những vụ tấn công phá hoại trong lãnh thổ Ukraine, nhằm tạo cớ phát động chiến tranh tổng lực nhằm vào nước này. Moskva đã bác bỏ cáo buộc.
Trong khi đó, một số blogger và cả truyền thông Nga lại cáo buộc phương Tây đang điều nhiều đặc nhiệm tới Ukraine nhằm thực hiện các chiến dịch phá hoại và đổ lỗi cho Moskva.
Semyon Pegov, blogger với 179.000 người theo dõi trên trang WarGonzo của dịch vụ Telegram, cho rằng 150 đặc nhiệm Anh đã tới hoạt động tại thành phố Kramatorsk ở vùng Donbass, Ukraine. "Đặc nhiệm Anh tới sân bay quân sự khoảng một tuần trước, dân địa phương thường gặp họ trong thành phố. Binh sĩ Anh không che giấu danh tính", Pegov viết.
"Chúng tôi nhận được tin tình báo rằng Ukraine đang huấn luyện các nhóm đặc biệt. Có 6 nhóm thế này. Binh sĩ Anh tham gia trực tiếp với vai trò hướng dẫn", Pegov đăng trên blog của mình, nhưng không nói rõ "tin tình báo" này do ai cung cấp. Ông còn loan tin rằng lực lượng đặc nhiệm Anh đang lên kế hoạch phá hoại các cơ sở xã hội và nhà máy hóa chất ở khu vực do phe ly khai Ukraine kiểm soát.
RT, mạng lưới truyền hình hàng đầu của Nga, đưa tin rằng đặc nhiệm phương Tây có thể cải trang thành binh sĩ Spetznaz rồi phát động các cuộc tấn công, sau đó quay video một người đóng giả "thành viên lực lượng ly khai đào tẩu" nói rằng phía Nga khiêu khích rồi phát tán cho truyền thông phương Tây.
Trong khi đó, truyền thông Anh cho rằng nguyên nhân dấy lên tin đồn đặc nhiệm nước này tham gia chiến dịch bí mật tại Ukraine là do các bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh "binh sĩ Anh được điều tới Ukraine". Thực tế, Anh triển khai một lượng nhỏ binh sĩ tới huấn luyện lính Ukraine sử dụng Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ Tiếp theo (NLAW).
Giới quan sát cho rằng nhiều thuyết âm mưu không có cơ sở như vậy được tung ra là "không có gì đáng ngạc nhiên" trong bối cảnh căng thẳng biên giới Nga - Ukraine leo thang, khi Moskva bị cáo buộc chuẩn bị tiến đánh nước láng giềng.
Mỹ, NATO cho rằng Nga điều hơn 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Moskva tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Nguyễn Tiến (Theo Independent)