"Có những bệnh viện chuyên cho thuê phòng mổ để tăng doanh thu, ai cũng đưa bệnh nhân đến mổ được, bất kể có chứng chỉ hành nghề hay không", TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình TP HCM, nói tại hội nghị do Sở Y tế TP HCM tổ chức, ngày 22/8, thêm rằng điều này "rất nguy hiểm".
Mới đây, một phụ nữ gặp tai biến sau khi chi 95 triệu đồng hút mỡ toàn thân. Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra cơ sở "Thẩm mỹ viện Pháp Á" ở quận 1, phát hiện người này là khách hàng của ông Huỳnh Thanh Hải, đến thẩm mỹ viện này thuê phòng mổ với giá 15 triệu đồng. Êkíp ông Hải mang theo dụng cụ phẫu thuật kèm thuốc, trang thiết bị y tế đến phòng thuê này để thực hiện hút mỡ cho người phụ nữ trên. Cơ sở thẩm mỹ không cung cấp được bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề của ông Hải. Người này cũng không hợp tác khi được Thanh tra Sở Y tế mời đến làm việc, bị xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu vẫn trốn tránh.
Theo BS Vân, người đi thuê phòng để mổ thẩm mỹ thường gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, chiếm số ít, là các phẫu thuật viên làm việc ở những bệnh viện lớn, đủ bằng cấp chuyên môn, đủ năng lực. Nhóm thứ hai, nhiều nhất, là bác sĩ từ những phòng khám chuyên khoa, đưa khách hàng đến thuê phòng phẫu thuật. Nhóm này có thể không có chứng chỉ hành nghề, hoặc có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ song không đủ năng lực làm tất cả loại phẫu thuật, do đó dễ gây ra tai biến.
Thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp tai biến do bác sĩ phẫu thuật vượt quá khả năng cho phép. Đơn cử, có bệnh nhân bị thủng ruột khi hút mỡ, thủng phổi khi đặt túi ngực, hôn mê tử vong sau khi thực hiện cùng lúc nhiều loại phẫu thuật lớn...
Lãnh đạo hội Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình TP HCM cho rằng bất cập hiện nay là chứng chỉ hành nghề có phạm vi rộng, cho phép thực hiện tất cả danh mục phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó, không phải bác sĩ nào được cấp giấy phép này cũng đủ khả năng mổ những cuộc lớn, đơn cử như thẩm mỹ ở vùng ngực, bụng.
"Ngày xưa chứng chỉ hành nghề ghi rất rõ ràng phạm vi, ví dụ bác sĩ được phẫu thuật vùng đầu mặt bằng gây tê tại chỗ", ông Vân nói, thêm rằng cần chấn chỉnh tình trạng cấp chứng chỉ hành nghề "chung chung như hiện nay". Nên quy định bác sĩ giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra tình trạng cho thuê phòng mổ đối với phẫu thuật viên không có chứng chỉ hành nghề phù hợp, không đủ khả năng tay nghề, chứng chỉ hành nghề giả mạo mà vẫn ký hợp đồng hợp tác mổ trong bệnh viện.
Quan điểm này cũng được PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, đồng tình. Thông tư 32 của Bộ Y tế quy định lĩnh vực tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ được phép thực hiện 517 dịch vụ kỹ thuật liên quan, trong đó có 504 kỹ thuật chuyên môn khám chữa bệnh cho người hành nghề tạo hình thẩm mỹ.
"Vấn đề đặt ra là phạm vi hành nghề như thế, nhưng chuẩn năng lực của người hành nghề như thế nào, hay chỉ cần giấy phép hành nghề lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ thì có thể làm tất tần tật 504 kỹ thuật trong danh mục này", ông Dũng nêu.
Một trong những nguyên nhân gốc rễ gây tai biến thẩm mỹ, theo Sở Y tế TP HCM, là năng lực của người hành nghề ở một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Người hành nghề không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Cơ sở thiếu sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động chuyên môn của người hành nghề. Nhiều người vì lợi nhuận mà không tuân thủ hoặc cố tình vi phạm pháp luật. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong việc chế tài, xử phạt đủ mạnh đối với người hành nghề không phép, hành nghề "chui", đào tạo "chui"...
Trong bối cảnh các ca tai biến thẩm mỹ ngày càng nhiều, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định chuyên sâu, nên có phân chia kỹ hơn về danh mục kỹ thuật bác sĩ được phép thực hiện trong việc cấp phép hành nghề lĩnh vực này. Ngoài ra, người hành nghề phải tham gia các khóa đào tạo liên tục, cập nhật chuyên môn kiến thức, quy trình kỹ thuật, các phác đồ điều trị, các quy định của pháp luật về hướng dẫn điều trị. Luật Khám chữa bệnh quy định người hành nghề phải tham gia đào tạo 120 giờ trong 5 năm, liên quan đến lĩnh vực hoạt động.
Ông Dũng cũng nêu thực trạng nhiều bác sĩ trẻ "đến lúc thanh tra mời lên làm việc mới ngồi khóc vì không ngờ đã vi phạm pháp luật, khám chữa bệnh ở những cơ sở chưa được cấp phép". Do đó, phẫu thuật viên cũng cần biết mình đang hợp tác với ai, êkíp gây mê và phụ mổ gồm những người nào, trình độ ra sao, việc chăm sóc hậu phẫu có đảm bảo hay không. Không ít trường hợp, cuộc mổ diễn ra suôn sẻ, song người bệnh lại gặp sự cố do nhóm chăm sóc hậu phẫu rút nội khí quản khi chưa đủ điều kiện.
Theo giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, nhiều quốc gia đang siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ. Các nước áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ, nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực này. Các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.
Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế siết chặt quy định về thuốc, vật tư liên quan thẩm mỹ, tránh tình trạng mua sắm những sản phẩm để tiêm chích làm đẹp quá dễ dàng như hiện nay.
Lê Phương