Một vị lãnh đạo Tổng cục hẹn rằng sẽ tìm. Ngày hôm sau, ông trả lời tôi, rằng họ chưa từng thu thập và không có những thống kê này.
Tôi cảm thấy bị hẫng vì những số liệu này rất cơ bản và quan trọng trong quan sát, phân tích và xây dựng chính sách. Việc thiếu hụt chúng là một lỗ hổng trong bức tranh quản trị đất đai. Nhưng các cơ quan quản lý của chúng ta không có, và cũng không có ý định có.
Trước đó, tôi đã hỏi một vài tỉnh, họ nói không lưu những số liệu ấy. Thực tế, một tổng hợp diện tích bị thu hồi cho các dự án hiện không thể tìm thấy ở đâu trên đất nước ta. Tổng cục Đất đai không thực hiện vì không có quy định pháp luật nào yêu cầu họ thu thập và công khai chúng.
Cá nhân tôi đã hình dung ra việc này từ lâu. Cách đây 12 năm, khi còn làm thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi đã gửi một công văn đến tất cả các tỉnh, thành yêu cầu rằng tất cả các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất ban ra phải gửi về Bộ một bản sao để lưu và thống kê. Nhưng sau đó, không địa phương nào làm. Rồi tôi về hưu, không ai theo dõi, đôn đốc và thực hiện.
Một trong những thay đổi quan trọng trong quản lý đất đai thời kỳ công nghiệp hóa so với thời kỳ văn minh nông nghiệp là quan điểm “động” thay cho quan điểm “tĩnh”. Trước đây, người ta cho rằng đất đai được sử dụng ổn định, ít thay đổi mới là tốt. Kể từ khi thực hiện công nghiệp hóa, người ta cho rằng đất đai càng chuyển dịch mạnh từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác, từ người sử dụng này sang người sử dụng khác mới mang lại lợi ích lớn hơn.
Cách thức chuyển dịch đất đai ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu theo cơ chế: Nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các chính sách tài chính đất đai tương ứng. Việc chuyển dịch đất đai hiện trở thành trọng tâm trong hệ thống quản lý đất nhưng nó cũng đi với nhiều vấn đề khác.
Thứ nhất, cơ chế này luôn tạo ra một nhóm lớn người đang sử dụng bị mất đất, mất nghề nghiệp, mất thu nhập, mất sinh kế và một nhóm rất nhỏ người được đất. Tức là xuất hiện một nhóm nhỏ người được lợi và một nhóm lớn người bị thiệt mà chưa có giải pháp nào để cân đối lại lợi ích giữa hai nhóm.
Thứ hai, khi những người bị mất đất chưa hài lòng về sự bù đắp thì sẽ dẫn tới khiếu nại trực tiếp về giá đất chưa đúng hay về những sai sót trong thực thi pháp luật, về quy hoạch, về quyết định thu hồi đất. Tại Việt Nam, số lượng khiếu nại về đất đai từ năm 2000 tới nay vẫn giữ ở tỷ lệ 70% tới 80% tổng lượng khiếu nại của dân.
Thứ ba, nhiều sai sót trong thực thi pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã tạo nên những vấn đề xã hội lớn theo hướng tiêu cực. Một số vụ việc điển hình đã xảy ra như vụ Tiên Lãng gắn với thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn; vụ thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ tại Đô thị mới Văn Giang, hay gần đây nhất là vụ mất bản đồ quy hoạch gắn với thu hồi đất tại Thủ Thiêm.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra nước nào tạo lập được cơ chế hiệu quả cao trong chuyển dịch đất đai thì mới có thể trở thành nước công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam, ta chưa giải quyết xong việc chi trả lại đúng giá trị đất đai cho người mất đất, song các nước phát triển đã tập trung vào cơ chế “chia sẻ lợi ích” từ dự án đầu tư.
Các nhà lý luận vì thế đã đưa ra khái niệm quản trị đất đai nhằm mang lại công bằng, bình đẳng, hiệu suất và hiệu quả trong toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng đất. Trong đó, một hệ thống quản trị đất đai tốt phải bảo đảm 3 yếu tố: công khai - minh bạch thông tin; có sự tham gia của nhân dân vào quản lý và giám sát; cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giải trình trước ý kiến của dân.
Vì thế, với nước ta, việc cần thực hiện sớm nhất là công khai mọi thông tin liên quan tới quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; kể cả thông tin về khu vực đất, chủ sử dụng đất hiện tại cũng như tương lai và các lợi ích có liên quan. Chỉ khi thông tin đất đai được công khai mới tạo điều kiện để mọi người tham gia và các cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình.
Nhìn lại Luật Đất đai 2013 và các nghị định, có thể thấy việc trọng tâm trong quản lý là thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đang không chịu bất kỳ một quy định nào về công khai - minh bạch thông tin.
Vấn đề đang đặt ra là sửa đổi Luật Đất đai 2013 như thế nào để loại bỏ được nhược điểm thiếu minh bạch nói trên?
Chân lý thường rất giản dị. Luật Đất đai sửa đổi theo tôi chỉ cần bổ sung thêm ba nội dung: một là thống kê, kiểm kê đất đai phải có được số liệu về chuyển dịch đất đai; hai là Tổng cục Quản lý đất đai mở ra một trang thông tin điện tử công bố đầy đủ các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với các thông tin về khu vực đất, chủ sử dụng đất hiện tại cũng như tương lai và các thu chi tài chính có liên quan; ba là chuyển từ cơ chế bồi thường theo giá trị đất đai trên thị trường sang cơ chế chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư.
GS. TS Đặng Hùng Võ