![]() |
Các hồng y trong nhà nguyện Sistine. |
Công nghệ gián điệp ngày nay đã tinh vi hơn nhiều so với thời John Paul II được bầu làm giáo hoàng năm 1978. Tuy nhiên, Vatican vẫn tự tin về khả năng bảo vệ truyền thống bí mật nhiều thế kỷ nay quanh cuộc mật họp này.
Cơ quan an ninh Vatican từ chối thông báo về chi tiết các biện pháp chống rệp điện tử được sử dụng trong hội nghị. Tuy nhiên, theo thám tử tư Giuseppe Mazzullo, cựu thành viên đơn vị cảnh sát Rome hợp tác chặt chẽ với Vatican, toà thánh sẽ tăng cường các chuyên gia an ninh bằng cảnh sát Italy và những công ty an ninh tư nhân. "An ninh rất chặt chẽ", Mazzullo nhận định. “Với những người có ý định ăn cắp thông tin, sẽ rất rất khó, nếu không nói là không thể”.
Hàng nghìn phóng viên sẽ theo dõi cuộc họp kín của 115 hồng y trong nhà nguyện Sistine ngày 18/4 tới. Giới quan sát cho rằng việc bầu giáo hoàng sẽ là một cuộc ganh đua quyết liệt, đặc biệt là giữa những nhân vật theo đường lối cải cách với những nhân vật bảo thủ. Người ta cũng trông chờ sự xuất hiện của một giáo hoàng không phải người châu Âu.
Vatican có thể lúng túng khi diễn biến nào đó trong quá trình bầu giáo hoàng mới bị lộ. Chẳng hạn, những cuộc thảo luận mang tính nhạy cảm về mối quan hệ của ứng viên giáo hoàng với Hồi giáo hay Do Thái giáo, công nhận Trung Quốc chứ không phải Đài Loan, hay quan điểm về tránh thai... đang là đối tượng được các chính phủ, báo chí săn lùng.
Năm 1996, Giáo hoàng John Paul II đưa ra quy định bảo vệ tính độc lập trong quyết định của các hồng y. Điện thoại di động, các thiết bị điện tử, radio, báo chí, truyền hình và phát thanh bị cấm. Những người phá vỡ tính bảo mật trong cuộc họp kín sẽ bị loại khỏi Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã.
Theo các chuyên gia an ninh, lệnh cấm sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử cá nhân là hợp lý vì chúng có thể bị hack và truyền tiến trình họp tới người khác. "Một tên nghe trộm có thể truy nhập những thiết bị đó và bật microphone, chuyển nó thành thiết bị nghe trộm", James Atkinson, Giám đốc công ty phát hiện rệp điện tử Gloucester, Massachusett, nói. "Việc đó hết sức dễ dàng".
Một mối lo lắng khác với Vatican là các microphone nhạy cảm được đặt trên mái nhà. Microphone lazer có thể bắt được những cuộc đối thoại từ cách đó 300 mét bằng cách thu nhận rung động trên kính cửa sổ hoặc bề mặt cứng. Các cửa sổ nhà nguyện Sistine rất gần mái.
"Bạn đặt thiết bị lazer trên cửa sổ hoặc một vật cứng trong phòng, như mặt thuỷ tinh trên bức tranh", một chuyên gia ninh của Kroll Inc., New York, nói. "Khi người ta nói chuyện, kính sẽ rung động cùng với âm thanh tiếng nói. Sau đó, cuộc đối thoại sẽ được khôi phục".
Tuy nhiên, người ta cũng có thể ngăn chặn microphone laser bằng những tấm rèm nặng nề và tiếng động quanh phòng họp.
Khó khăn hơn là những chú rệp nhỏ tí xíu: máy phát hoặc thu tín hiệu nhỏ bằng đồng xu. Để giải quyết vấn đề này, các nhóm truy quét rệp - hoạt động theo lệnh năm 1996 của giáo hoàng - sẽ phải tiến hành những chiến dịch dọn sạch các địa điểm họp nhạy cảm, tẩy sạch thảm, kiểm tra kỹ lưỡng đệm ghế, mở ống dẫn khí nóng, kiểm tra dây điện, đèn, đường nước...
Đây là lần đầu tiên các hồng y tham gia cuộc mật họp được đi lại tự do bên ngoài khu vực hội nghị. Trước đây, các hồng y chỉ được phép ngủ ở Lâu đài Apostolic ở sát bên cạnh. Còn lần này, họ sẽ ở trong Domus Sanctae Marthae, khách sạn trị giá 20 triệu USD. Các hồng y còn được sử dụng các nhà nguyện tại Vatican để cầu kinh. "Đây không phải là cuộc họp bầu giáo hoàng đầu tiên mà chúng tôi tổ chức", một quan chức Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã tự tin khẳng định.
Tuy nhiên, để bảo mật, hôm 9/4, Hồng y đoàn đã quyết định áp dụng chính sách chưa từng có tiền lệ là tránh tiếp xúc với báo giới.
Nguyễn Hạnh (theo AP)