Kinh doanh thịt lợn ở chợ Phương Mai, Hà Nội, một tuần đổ lại đây, chị Nguyễn Thị Lâm bán được trung bình một con lợn móc hàm mỗi ngày, bằng 60% so với thời điểm bình thường. "Trước và cận Tết, mỗi hôm tiêu thụ 3-5 con, ra Giêng mọi năm cũng phải bán được hơn 2 con một ngày. Nhiều người lo chất siêu tạo nạc, chuyển sang ăn món khác", chị Lâm nói.
Xăng tăng, chí phí vận chuyển đắt lên khoảng 20% song chị Lâm vẫn tính hạ giá để bán được hàng nhanh hơn. Theo đó, tính theo kg, thịt nạc thăn từ 140.000 đồng xuống 130.000 đồng; thịt chân giò, ba chỉ giảm 2.000 đồng đến 5.000 đồng, xuống còn 110.000 đồng đến 120.000 đồng...
Không ít người tiêu dùng lo lắng với chất siêu tạo nạc, quay lưng với thịt lợn. Ảnh: Xuân Ngọc |
Chị Lâm cho hay, với mỗi cân thịt lợn móc hàm nhập từ lò mổ với giá 95.000 đồng, thêm 150.000 đồng công vận chuyển cho hơn một tạ thịt, trừ tiền quầy chợ, chị lãi được 2.000 đồng - 5.000 đồng mỗi kg. Bởi ngoài thịt, sườn thăn bán được với giá cao, còn lại xương cục, mỡ, bì..., chị chỉ bán được 5.000-7.000 đồng mỗi cân. "Xăng lên, đầu vào đắt nhưng có phải cứ muốn tăng giá là tăng đâu, khách không có thì phải giảm giá để bán, được đồng nào hay đồng đó", chị Lâm phàn nàn.
Tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Mơ, Ngã Tư Sở, chợ cóc trên đường Đại Cồ Việt..., so với tháng trước, giá thịt lợn đã giảm đáng kể, 5.000 đồng - 10.000 đồng mỗi kg. Cụ thể, thịt nạc thăn hạ giá mạnh nhất, chỉ còn 120.000 đồng đến 130.000 đồng, thịt ba chỉ, thịt rọi 100.000 - 110.000 đồng, thịt mông sấn và thịt chân giò có giá 110.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), giá mỗi cân thịt chưa pha vẫn dao động từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng.
Cũng lâm vào tình cảnh buôn bán ế ẩm, lãi giảm do giá bán ra hạ, chị Lương Thu Quế, bán hàng ở chợ Mơ, Hà Nội chỉ mong có cơ quan chức năng đến kiểm dịch để được "minh oan". Chị tâm sự, chị chẳng biết đến chất siêu tạo nạc là gì. Chỉ nghe khách mua quen nói sợ độc tố trong thịt lợn nên không mua. Việc kinh doanh của chị theo đó bị ảnh hưởng khá lớn.
"Trước mỗi hôm kiếm được 300.000 đồng thì giờ, chạy chợ cả ngày cũng chỉ có gần 200.000 đồng. Bình thường ai cũng chọn miếng nạc, giờ lại quay sang chê nạc", chị Quế nói.
Không bị ảnh hưởng của nỗi lo độc tố song giá các loại rau xanh, thực phẩm khác ở Hà Nội cũng chưa tăng, sau 10 ngày xăng lên giá. Cụ thể, bắp cải giá 4.000 đồng một kg, cải xanh, cải ngọt có giá 3.000 - 4.000 đồng mỗi mớ, mỗi củ cà rốt có giá 500 - 1.000 đồng, khoai tây, khoai lang được bán với 10.000 đồng một cân... Riêng một số loại rau trái vụ như rau muống, dưa chuột... vẫn có giá khá đắt với lần lượt là 12.000 đồng một mớ và 15.000 đồng mỗi cân...
Rau xanh vẫn giữ giá ổn định do tiết trời ấm lên. Ảnh: Xuân Ngọc |
Theo bác Ngô Thị Hân, chủ sạp rau ở chợ Ngã Tư Sở, mỗi đợt xăng lên, giá cả đều đắt lên đôi chút. Song, thời điểm này thời tiết ấm dần, rau xanh thu hoạch được nhiều nên giá vẫn khá rẻ. "Nhập rẻ, chúng tôi bán rẻ chứ cũng không phải té nước theo mưa đâu, còn phải cạnh tranh với nhau, người mua cũng khảo giá cả", bác Hân nói.
Tương tự, thịt gà và thịt bò cũng giữ ổn định. Gà công nghiệp làm sẵn có giá 75.000 - 80.000 đồng, gà mía có giá 65.000 - 70.000 đồng, gà ta được bán với 100.000 đồng - 105.000 đồng mỗi cân. Thịt bò vẫn từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng, tùy loại.
Tính đến sáng ngày 19/3, hệ thống siêu thị Hapro cũng chưa nhận được đề xuất tăng giá thực phẩm từ các nhà cung cấp. Còn giá bán ở siêu thị Big C Thăng Long vẫn giữ ổn định. Mỗi cân, gà ta có giá 103.900 đồng, bắp bò có giá 203.900 đồng, thịt đùi heo có giá 106.900 đồng...
Trước thông tin thịt lợn có chứa chất siêu tạo nạc gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, Big C miền Nam đã lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên và cho kết quả âm tính, còn Big C miền Bắc đang chờ kết quả. "Bình thường, kể cả khi không có nghi vấn độc tố, chúng tôi vẫn làm chặt trong khâu lựa chọn nhà cung cấp, có đủ giấy tờ kiểm định chất lượng và kiểm tra mẫu sản phẩm định kỳ", ông Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, giá cả thay đổi phụ thuộc vào những yếu tố như nguồn cung, vận chuyển và sức mua... Theo đó, giá xăng tăng nhưng trước nghi an bị nhiễm độc, người mua ít thì người bán cũng không thể nâng giá.
Ông Phú cho rằng, trong hệ thống siêu thị, thịt lợn được kiểm nghiệm an toàn nhưng kênh phân phối này hiện chỉ chiếm 20% tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc, kiểm tra nhanh chóng, công bố danh tính địa chỉ bán sản phẩm nhiễm độc để bảo vệ quyền lợi của tiểu thương, người chăn nuôi chân chính và khách hàng.
Thịt lợn có chứa chất siêu tạo nạc được phát hiện đầu tiên tại Đồng Nai. Đến nay, qua kiểm tra bước đầu với 5 mẫu thịt tươi được lấy ngẫu nhiên trên thị trường Hà Nội, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế chưa phát hiện hóa chất độc hại nhóm Beta-Oganist - chất tăng trọng, tạo nạc được xếp vào loại cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Xuân Ngọc