Ngành chế biến thủy hải sản xuất khẩu lại gặp khó khăn. |
Khoản tiền ký quỹ được tính bằng tổng giá trị nhập khẩu trong vòng 1 năm của doanh nghiệp nhân với tỷ suất biên phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu đã được phán quyết của Bộ thương mại Mỹ (DOC) áp sau vụ kiện phá giá tôm năm ngoái.
Trước đây, các nhà nhập khẩu Mỹ khi kinh doanh có thể đặt cọc một khoản tiền là 50.000 USD và thanh toán các khoản còn nợ theo từng container hàng.
Nhưng theo quy định mới này, khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với giá trị thuế chống bán phá giá được tính trên giá trị của tổng lượng hàng trong 12 tháng mà nhà nhập khẩu đó nhập từ nước bị áp thuế phá giá. (Chẳng hạn năm nay các nhà nhập khẩu Mỹ muốn nhập hàng từ Việt Nam sẽ phải đóng tiền đặt cọc từ tháng 2/2005 đến tháng 2/2006).
Đến tháng 6/2006, DOC sẽ tiến hành xem xét hành chính (review) việc bán phá giá của các nước này để xác định lại mức thuế phá giá cuối cùng. Nếu mức thuế phá giá của doanh nghiệp tăng hơn mức áp dụng khi tạm tính thì doanh nghiệp phải đóng thuế bổ sung. Ngược lại nếu biên phá giá này thấp hơn mức thuế đang áp dụng thì doanh nghiệp sẽ được Hải quan Mỹ khấu trừ trả lại phần còn thừa. Trên thực tế, việc review của DOC phải mất 1 năm rưỡi sau mới có kết quả và khi đó có nghĩa là nhà nhập khẩu Mỹ đã đóng tiền đặt cọc cho cả năm 2007 và 2008 mà không biết mức phá giá sẽ được DOC quyết định tăng hay giảm.
Hiện nay, các nhà nhập khẩu Mỹ bắt đầu đẩy rủi ro này về phía doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có Việt Nam. Họ yêu cầu các nhà xuất khẩu VN phải tự đóng tiền đặt cọc, tự nhập hàng vào Mỹ, giao hàng tại Mỹ sau khi đã thông quan và chịu mọi rủi ro trong trường hợp mức thuế phá giá tăng sau khi review.
Ông Trương Đình Hòe, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Quy định mới này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ". Bởi theo ông, khoản tiền ký quỹ rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong khi không biết mức review cuối cùng như thế nào nên có thể khoản tiền này sẽ mất.
Trước khó khăn này, ông Lâm Ngọc Khuân, Giám đốc Công ty Phương Nam (một trong 5 doanh nghiệp bị DOC áp mức thuế phá giá cao nhất) cho biết, công ty ông phải chuyển hướng sang đầu tư các mặt hàng giá trị gia tăng như tôm tẩm bột. Còn ông Trần Văn Phẩm, Giám đốc Công ty thủy sản xuất nhập khẩu tổng hợp Sóc Trăng thì nói: "Việc này quá bất ngờ nên công ty chúng tôi vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Tôi nghĩ sẽ phải tìm thêm thị trường mới để thay thế thị trường Mỹ".
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chút nào. Từ đầu tháng 4 đến nay, tại thị trường EU và Nhật Bản, các nhà xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... do ảnh hưởng bởi quy định mới của Hải quan Mỹ đã giảm giá bán thủy hải sản. Ngày 15/4, trong khi cùng loại tôm Việt Nam chào giá 15-16 USD/kg cho thị trường Nhật Bản thì Ấn Độ chỉ giới thiệu mức 9,6 USD/kg.
Phan Anh - Thùy Vinh