Nga dự kiến tổ chức cuộc tập trận chung với Belarus mang tên "Zapad 2017" từ ngày 14 đến 20/9, với sự tham gia của khoảng 100.000 quân nhân và nhiều khí tài hiện đại. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn trong nhiều năm qua, có thể khiến NATO vừa lo sợ vừa ghen tị, theo Defense One.
Zapad (phương Tây) là hoạt động tập trận bắt nguồn từ thời Liên Xô, được tổ chức 4 năm một lần từ năm 1973. Trong đó, Zapad 81 là cuộc tập trận lớn nhất lịch sử, kéo dài trong 8 ngày với sự tham gia của 100.000-150.000 binh sĩ Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw. Hoạt động tập trận này bị ngừng lại sau khi Liên Xô tan rã và chỉ được nối lại vào năm 2013.
Tập trận Zapad là một trong các đợt luân chuyển quân số quy mô lớn hàng năm, với sự tham gia của 4 bộ tư lệnh chiến lược Nga gồm quân khu miền Đông, quân khu Kavkaz, quân khu Trung tâm và quân khu miền Tây. Cuộc tập trận này đóng vai trò quan trọng trong quy trình huấn luyện của quân đội Nga.
Giới chuyên gia quân sự Nga cho biết Zapad 2017 sẽ có sự tham gia của lực lượng không quân, một sư đoàn đổ bộ đường không và một sư đoàn bộ binh. Một số nguồn tin cho rằng Quân đoàn Tăng Cận vệ số 1 mới tái lập cũng góp mặt trong Zapad 2017, dù thông tin này chưa được xác nhận. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là lập kế hoạch hiệp đồng, xây dựng chiến thuật chỉ huy và triển khai đội hình quân binh chủng hợp thành.
Các thành viên NATO ở khu vực Baltic luôn tỏ ra lo ngại, khẳng định đợt tập trận này là hoạt động diễn tập xâm lược. Tuy nhiên, học giả Elisabeth Braw tại Hội đồng Đại Tây Dương lại cho rằng NATO có lý do để ghen tị, vì từ lâu khối này chưa có khả năng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn như Zapad.
Hạn chế trong khâu hậu cần là một trong những nguyên nhân giới hạn quy mô tập trận của NATO. Trong cuộc tập trận Reforger năm 1987, hơn 115.000 binh sĩ từ 6 nước đã phải hành quân 600 km bằng đường bộ, đường sắt và đường không để đến khu vực tập kết tham gia tập trận.
Các đợt tập trận phòng thủ đa quốc gia của châu Âu cũng thiếu sự gắn kết hiệp đồng, trong khi việc huy động lực lượng lớn cũng đối mặt với nhiều rào cản. Để tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh hồi năm ngoái, nhiều nước thành viên NATO cần nhiều ngày để hoàn tất thủ tục ngoại giao cho phép triển khai quân, trong khi nhiều quốc gia khác không có đường bộ và đường sắt đủ sức tiếp nhận khí tài hạng nặng của Mỹ và đồng minh
28 thành viên NATO cũng chưa đạt sự đồng thuận về kế hoạch phòng thủ và triển khai quân sự chung, trong khi Nga là quốc gia riêng nên dễ dàng tổ chức tập trận quy mô lớn.
Một tổ chức quân sự đa quốc gia không thể phối hợp di chuyển lực lượng đến địa điểm tập kết sẽ gặp thất bại trước cả khi chiến tranh xảy ra. Bởi vậy, NATO còn nhiều điều phải cải tổ cả về mặt ngoại giao và cơ sở hạ tầng, nếu họ muốn tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn như Zapad của Nga, chuyên gia Braw nhấn mạnh.
Duy Sơn