Ngay khi có tin Trung Quốc mở cửa trở lại, chị Kim Bình (Hà Nội) đã tìm hiểu về du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, chị bối rối vì mỗi nơi nói một kiểu. Chưa có tin chính xác khi nào du khách Việt được tự do đi lại, nhiều đại lý du lịch đã đăng bán các sản phẩm tour với đa dạng hành trình, mức giá.
"Tôi thấy một số nơi bắt đầu bán tour khởi hành tháng 3. Một số khác nói phải tháng 4, du khách từ Việt Nam mới có thể sang Trung Quốc", chị Bình cho hay. Chị đã liên hệ với một công ty ở Hà Nội và nhận được chương trình tour 6 ngày 5 đêm với lịch trình Hà Nội - Côn Minh - Lệ Giang - Shangri-la, khởi hành 28/4 giá khoảng 15 triệu đồng một người, đi đường bộ.
Nhân viên tư vấn nói "có thông tin từ phía Trung Quốc và khẳng định 80% tour sẽ khởi hành". Trong trường hợp không thể đi, công ty sẽ liên hệ với khách trước một tháng và hoàn 100% tiền cọc. Người này cũng giới thiệu công ty đã bán được gần 100 chỗ, hiện còn 30 chỗ.
"Việc công ty sẽ hoàn 100% tiền cọc nếu tour không khởi hành là đương nhiên. Tuy nhiên thời gian và lịch trình của tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu 20% còn lại xảy ra", nữ du khách nói.
Ngoài một số thông báo trên mạng xã hội như trên, nếu vào Google gõ từ khóa "tour Trung Quốc 2023", du khách dễ dàng tìm thấy hàng loạt bài đăng chào mời. Những điểm đến hầu hết đều khá quen thuộc như Hàng Châu - Tô Châu; Bắc Kinh - Thượng Hải; Đại Lý - Lệ Giang. Một số người bán còn cam kết khởi hành 100% khi được hỏi về chương trình tour ngày 28/4. Tuy nhiên, điểm chung là những người đang rao bán tour chủ yếu kinh doanh nhỏ, lẻ, không phải những công ty lớn.
Trao đổi với phóng viên VnExpress, bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Công ty Top One Travel (Hà Nội), cho biết cũng nhận được lịch trình tương tự từ đối tác. Ban đầu, bà cũng đăng bán tour này nhưng đã gỡ đi ngay bởi phía đối tác không thể cam kết 100% tour sẽ khởi hành đúng ngày.
Đại diện công ty này nhận xét nếu tour đi bằng đường hàng không, công ty đứng ra làm tour phải có vé máy bay, đảm bảo tour khởi hành đúng dự kiến. Tuy nhiên, tour này đi bằng đường bộ và trong bối cảnh chưa có thông tin chính thức, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra.
"Một số công ty lữ hành đang nghe được thông tin Trung Quốc có thể mở cửa cho khách Việt trong tháng 3. Do đó, họ để lịch khởi hành là tháng 4 để tỷ lệ chắc chắn cao. Trong trường hợp không thể khởi hành, các công ty sẽ hoàn tiền hoặc bảo lưu cho khách. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách làm này vì giống như hình thức huy động vốn", bà Tuyết nói.
Công ty du lịch Alibaba Việt Nam cũng cho biết chưa nghe thông tin từ các đối tác Trung Quốc về việc cấp visa du lịch cho người Việt. Đại diện công ty khuyên du khách nên cân nhắc kỹ bởi đa số tour bán ra hiện ấn định lịch khởi hành vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Do đó nếu tour không thể khởi hành, du khách dù có thể nhận lại cọc cũng lỡ dở lịch trình nghỉ lễ.
Các công ty lữ hành lớn tại Việt Nam như Vietravel, Flamingo Redtours đều chưa đưa thông tin chính thức về các sản phẩm tour Trung Quốc. Đại diện Vietravel cho biết họ vẫn chờ phía Trung Quốc. Hiện họ chỉ làm việc với các đối tác để làm mới đường tour, gia tăng trải nghiệm cho khách.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng có thể một số đơn vị lữ hành nắm được thông tin "mật" và họ đang "đi trước đón đầu". Nếu các công ty này có thể đưa khách khởi hành đúng lịch trình, việc bán tour Trung Quốc khi chưa có thông tin chính thức cũng không sai. Dù vậy, trong trường hợp bất chấp bán tour và chưa có kiểm định, khách hàng cần cẩn trọng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hiện các đơn vị tiếp nhận hồ sơ xin visa Trung Quốc đều khẳng định chưa có chính sách cấp lại visa du lịch cho người Việt Nam. Người Việt chỉ có thể tới Trung Quốc với visa thương mại. Hôm 16/2, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi công hàm tới Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị "sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo tour".
Ngoài việc chưa thể đi du lịch Trung Quốc ngay, đa số công ty lữ hành đều nhận định giá tour sẽ tăng 20-40% so với trước dịch. Nguyên nhân chính đến từ việc tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa nhiều như trước. Ngoài ra, yếu tố "mua sắm" cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá tour.
Tour Hà Nội - Côn Minh - Lệ Giang - Shangri-la bay thẳng có giá khoảng 18 triệu đồng một người vào năm 2020. Nhưng hiện sản phẩm đường bộ đã khoảng 15 triệu đồng. Các tuyến, điểm khác dự kiến đều tăng giá. Ông Hoan cho hay các trung tâm mua sắm thường trợ giá để công ty lữ hành đưa khách Việt Nam sang Trung Quốc với giá "mềm", giúp du khách tiết kiệm khoảng 30-40% chi phí tour. "Hiện các cửa hàng chưa mở lại toàn bộ nên ít chính sách trợ giá. Các dịch vụ liên quan cũng tương tự. Giá tour Trung Quốc chắc chắn tăng", ông Hoan nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty du lịch Alibaba Việt Nam, cho biết giá tour sẽ tăng do giá vé máy bay và các dịch vụ ở Trung Quốc đều cao. Khách Việt nên chờ mọi dịch vụ ổn định để du lịch Trung Quốc với giá tốt nhất.
Tú Nguyễn