Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Sustainability hôm 6/12 được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Đại dương Cordio East Africa do nhà sáng lập David Obura dẫn đầu, phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đánh giá mức độ tổn thương của từng rạn san hô riêng lẻ trên khắp vùng biển phía tây rộng lớn của Ấn Độ Dương, đồng thời xác định những mối đe dọa chính.
Nhóm của Obura cảnh báo rằng các rạn san hô ngoài bờ biển phía đông của châu Phi và dọc theo các quốc đảo như Mauritius và Seychelles đối mặt với nguy cơ "sụp đổ hoàn toàn và không thể phục hồi" trong 5 thập kỷ tới do nhiệt độ nước biển ấm lên và khai thác quá mức.
"Phát hiện này khá nghiêm trọng! Không có nơi nào trong khu vực mà san hô sinh sống còn nguyên vẹn. Tất cả chúng đều đã suy thoái phần nào và điều đó sẽ còn tiếp tục", Obura nói với AFP.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá 11.919 km2 rạn san hô ở Tây Ấn Độ Dương (chiếm khoảng 5% tổng diện tích san hô trên toàn cầu) và cho biết khu vực bao quanh các quốc đảo đẹp như tranh vẽ, bao gồm Mauritius, Seychelles, Comoros và Madagascar - nơi có nhiều điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, có nguy cơ sụp đổ cao nhất.
San hô chỉ bao phủ một phần rất nhỏ của đáy đại dương, khoảng 0,2%, nhưng chúng là nơi sinh sống của ít nhất 1/4 các loài động, thực vật biển. Bên cạnh vai trò neo giữ các hệ sinh thái đại dương, chúng còn cung cấp protein, tạo ra công ăn việc làm và bảo vệ hàng trăm triệu người trên toàn thế giới khỏi bão và xói mòn bờ biển.
"Các rạn san hô khỏe mạnh rất có giá trị. Sự mất mát của chúng là thiệt hại kép đối với đa dạng sinh học, cũng như tất cả những loại hình kinh tế ven biển phụ thuộc vào đó", Obura nhấn mạnh.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe san hô nói chung ở phía tây Ấn Độ Dương. Các đại dương hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo ra những đợt sóng nhiệt biển khổng lồ, đẩy nhiều loài san hô vượt qua giới hạn chịu đựng của chúng.
Vào tháng 10, một cuộc khảo sát toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay về sức khỏe san hô cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu, kết hợp với ô nhiễm và hoạt động đánh bắt cá bằng chất nổ đã xóa sổ 14% các rạn san hô trên thế giới từ năm 2009 đến 2018.
Đoàn Dương (Theo AFP)