Các nhà khoa học tại Viện Hóa học và Sinh học Môi trường biển (ICBM), Đại học Oldenburg, Đức lần đầu cho giống san hô đá sinh sản vô tính tại viện Hải dương học Wilhelmshaven. Loài Acropora được chọn để nhân giống.
Acropora sinh sản một lần hàng năm, với hàng nghìn trứng và tinh trùng được phóng thích vào nước cùng một lúc. Hoạt động sinh sản đồng bộ này chỉ diễn ra khi các điều kiện về môi trường, thời tiết đáp ứng một cách chính xác. "Nếu các yếu tố về thời gian, khí hậu không tương thích với điều kiện tự nhiên trong đại dương, loài san hô này không thực hiện sinh sản", GS Peter Schupp, thành viên chính nhóm nghiên cứu nói.
Các nhà khoa học hy vọng, san hô non được sinh sản hữu tính có khả năng phục hồi và thích nghi tốt hơn với các điều kiện môi trường thay đổi so với sinh sản vô tính. Vì vậy, nhóm thiết kế môi trường trong phòng thí nghiệm giống với biển Thái Bình Dương, về tính chất nguồn nước, ánh sáng, nhiệt độ và cả chu kỳ Mặt Trăng.
Vào thời điểm trăng tròn tháng 12, khi các yếu tố được chuẩn bị kỹ và đáp ứng mọi nhu cầu của loài này, chúng đồng loạt phóng trứng và tinh trùng (giao tử) vào nước. Sau đó, các nhà khoa học trộn trứng và tinh trùng từ rạn san hô khác nhau để đảm bảo sự đa dạng di truyền ở thế hệ con. Kết quả cho thấy tỷ lệ thụ tinh gần 100% và có thể duy trì khoảng 50.000 ấu trùng sau vài ngày. Những con lớn nhất phát triển đến kích thước 1 cm.
Phương pháp tiêu chuẩn hiện nay để tạo ra loài này là sinh sản vô tính. Cụ thể, một san hô lớn được chia thành các phần nhỏ hơn, sau đó được đưa vào các hồ cá hoặc dự án phục hồi rạn san hô để nuôi lớn. Những mảng san hô này giống về mặt di truyền với san hô mẹ, nên dễ bị tổn thương trước những thay đổi môi trường, như nhiệt độ nước biển tăng.
"Công trình là một bước tiến lớn trong nghiên cứu san hô. Bằng cách cải thiện môi trường sống và nhân giống ấu trùng, san hô non, chúng tôi hy vọng có thể phục hồi những rạn san hô bị suy thoái trong khu vực thông qua những dự án bảo tồn," Schupp nói.
Nguyễn Xuân (Theo Phys)