Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 16/6 thông báo "ngừng bắn chiến thuật" từ 8h đến 19h hàng ngày dọc theo hành lang nhân đạo do Israel thiết lập trong vùng tác chiến ở miền nam Dải Gaza. IDF nêu rõ vẫn tiếp tục tiến công thành phố Rafah, tiêu điểm trong chiến dịch của lực lượng, như kế hoạch.
Một quan chức Israel cho biết ngay sau khi nghe báo cáo về kế hoạch ngừng bắn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã quay sang thư ký quân sự và nói điều này là không thể chấp nhận được. Ông Netanyahu tiếp tục thể hiện sự bất bình với các lãnh đạo IDF trong cuộc họp nội các sau đó, theo Channel 13.
"Chúng ta là một đất nước có quân đội, không phải một quân đội có đất nước", ông Netanyahu nói. "Nhằm đạt mục tiêu xóa sổ Hamas, tôi đã phải ra những quyết định mà không phải lúc nào cũng được giới lãnh đạo quân đội chấp thuận".
Bình luận phần nào cho thấy rạn nứt giữa Thủ tướng Netanyahu và nội các Israel với quân đội trong chiến sự ở Gaza.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir lên án quyết định "ngừng bắn chiến thuật" của quân đội, cho rằng đã đến lúc từ bỏ quan niệm Hamas có thể thỏa hiệp và chấm dứt "cách tiếp cận điên rồ, ảo tưởng chỉ mang thêm chết chóc cho Israel". Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich ngầm đổ lỗi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi cho những diễn biến chiến sự gần đây.
Rạn nứt giữa IDF và chính phủ Israel được cho là xuất hiện từ đầu năm 2023, khi ông Netanyahu đề xuất kế hoạch cải cách tư pháp. Những dự luật nằm trong gói cải cách sẽ tăng khả năng kiểm soát của quốc hội với hệ thống tư pháp và giới hạn quyền lực của Tòa án Tối cao. Điều đó đồng nghĩa gia tăng quyền lực cho liên minh đảng cầm quyền do ông Netanyahu và các đồng minh cánh hữu dẫn dắt.
Israel không có hiến pháp thành văn, thay vào đó là một tập hợp các Luật Cơ bản về quyền cùng nghĩa vụ công dân và tổ chức nhà nước, có ý nghĩa tương đương hiến pháp. Điều này khiến Tòa án Tối cao Israel, cơ quan phân xử và diễn giải luật cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp, nắm quyền lực rất lớn và cũng trở thành cơ quan duy nhất đủ khả năng giám sát quyền lực của quốc hội.
Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của ông Netanyahu, trong đó có cả các thành viên quân đội. Hơn 10.000 quân nhân dự bị của IDF tuyên bố từ chối phục vụ đất nước để bày tỏ nỗi bất bình.
Giới chức quân đội Israel liên tục cảnh báo kế hoạch cải cách tư pháp sẽ làm suy yếu năng lực phòng thủ đất nước. Ông Gallant tháng 3/2023 công khai rằng bất đồng về kế hoạch đã lan đến quân đội. Thủ tướng Netanyahu đã sa thải Gallant, trước khi tái bổ nhiệm ông vào tháng 4 cùng năm.
IDF tháng trước tuyên bố Cục Tình báo Quân đội đã gửi 4 báo cáo cho ông Netanyahu từ tháng 3 đến tháng 7/2023, cảnh báo về việc các đối thủ đánh giá thế nào với biến động trong xã hội Israel. Hamas tháng 10/2023 tập kích bất ngờ miền nam Israel gây thương vong lớn và bắt hàng trăm con tin, càng làm dấy lên suy đoán về liên hệ giữa hai vấn đề.
Ông Netanyahu bác bỏ thông tin từ IDF. Theo Thủ tướng Israel, trọng tâm 4 báo cáo không phải là Hamas và IDF còn cho rằng Hamas "không có ý định tập kích từ Gaza, mà sẽ tìm biện pháp khác để gây thiệt hại cho Israel".
Sau khi IDF mở chiến dịch đáp trả Hamas, ông Gallant và ông Netanyahu có quan điểm tương đồng là tiêu diệt nhóm vũ trang và giải cứu con tin. Tuy nhiên, ông Gallant dần bày tỏ nỗi thất vọng khi ông Netanyahu không đưa ra một kế hoạch rõ ràng cho Gaza thời hậu chiến.
Ông Gallant hồi tháng 5 phản đối kế hoạch Israel kiểm soát quân sự hoặc chiếm đóng Gaza, trong khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố chỉ cần Hamas còn hiện diện ở dải đất, mọi cuộc thảo luận về vấn đề ai quản lý khu vực thời hậu chiến đều vô nghĩa. Ông ám chỉ Bộ trưởng Gallant đang "tìm cớ" giải thích cho việc chưa tiêu diệt được Hamas sau 8 tháng tấn công.
"IDF cho rằng các chính trị gia Israel đã làm suy yếu nỗ lực của quân đội và lãng phí những thành quả của họ", giáo sư Chuck Freilich, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, Đại học Tel Aviv, Israel nói. Ông Gallant "đang bày tỏ sự phẫn nộ của mình cũng như IDF".
Nhật báo Israel Hayom cho rằng rạn nứt giữa Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant "chưa bao giờ lớn như vậy". Căng thẳng giữa hai lãnh đạo dần len lỏi vào nội các thời chiến, gồm ông Netanyahu, ông Gallant và thủ lĩnh phe đối lập Benny Gantz.
Bất đồng giữa các bên leo thang đến mức ông Gantz đã quyết định rời nội các thời chiến hôm 9/6. Thủ tướng Israel hôm 16/6 cũng thông báo giải tán nội các thời chiến, vốn được thành lập sau khi giao tranh bùng phát với Hamas hồi tháng 10/2023.
Sau khi giải tán nội các thời chiến, Thủ tướng Netanyahu sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về chiến sự ở Gaza với nhóm nhỏ bộ trưởng, trong đó có Gallant. Rạn nứt giữa hai lãnh đạo có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến quá trình ra quyết định, nhưng không khí làm việc "đang trở nên đầy sự nghi ngờ và độc hại", tờ báo dẫn các nguồn thạo tin.
Tính đến ngày 16/6, ít nhất 307 binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ khi IDF bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Gaza ngày 27/10. Cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 9 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các tổ chức quốc tế cảnh báo Gaza đang cận kề một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Cuộc chiến ở Gaza vẫn nhận được sự ủng hộ từ người dân, rạn nứt giữa nội các Israel với quân đội chưa thực sự gay gắt nhưng có thể còn leo thang, ông Freilich cảnh báo. "Tình trạng này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin thực sự giữa giới lãnh đạo quân đội và chính trị" nếu thương vong còn gia tăng.
Gideon Levy, nhà bình luận của nhật báo Israel Haaretz, nói cái chết của 8 binh sĩ IDF khi thiết giáp của họ bị tập kích ở miền nam Gaza hôm 15/6 là "cái giá nặng nề với xã hội Israel".
"Ngày càng nhiều người Israel tự hỏi chiến sự kéo dài đến bao giờ, để làm gì? Tình hình có thể biến thành một cuộc chiến vô tận - một cuộc chiến tiêu hao đáp trả qua lại giữa Hamas và Israel. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được 'chiến thắng tuyệt đối' mà ông Netanyahu nhắc đến", Levy nói.
Như Tâm (Theo Times of Israel, Christian Science Monitor)